Nguy cơ tiếp tục sa lầy

Mỹ có nguy cơ tiếp tục bị sa lầy ở Afghanistan

Bất chấp việc đã đổ gần 200 tỷ USD vào Afghanistan, Mỹ có khả năng sẽ bị sa lầy vào cuộc chiến chống Taliban và al-Qaeda tại đây.
Nhà phân tích chính trị Ấn Độ Aley Lele nhận định rằng bất chấp việc Mỹ đã đổ gần 200 tỷ USD và hàng chục nghìn quân vào Afghanistan trong 8 năm qua, song cuộc chiến của Washington chống Taliban và al-Qaeda ở nước này không biết đến khi nào mới kết thúc.

Dư luận cảnh báo rằng Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục bị sa lầy vào cuộc chiến ở quốc gia Nam Á này.

Theo Aley Lele, một trong những dấu hiệu về nguy cơ thất bại của "Chiến lược của Mỹ về Pakistan và Afghanistan" (AFPAK) là sự thất bại của "mô hình dân chủ" do phương Tây tạo dựng và sự lớn mạnh trở lại của Taliban tại đất nước Nam Á này.

Không thể hy vọng thắng lợi của đương kim Tổng thống Hamiz Karzai trong cuộc bầu cử vừa qua sẽ mang lại sự thay đổi đáng kể cho tình hình hiện nay ở Afghanistan.

Tình hình an ninh ở Afghanistan hiện đang rất đáng lo ngại. Taliban đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng NATO cũng như quân đội và lực lượng an ninh của Afghanistan. Tháng 8 vừa qua đã trở thành tháng đẫm máu nhất đối với lực lượng NATO ở Afghanistan với 74 binh sĩ thiệt mạng.

Lực lượng an ninh Afghanistan bị thiệt hại nặng nề với trung bình 4-5 cảnh sát thiệt mạng mỗi ngày. Để đối phó với tình hình trên, đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ về Pakistan và Afghanistan, ông Richard Holbrooke sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng "Phương án B" với việc yêu cầu ông Karzai chấp nhận tổ chức bầu cử vòng hai. Một cuộc bầu cử như vậy có thể sẽ xác thực hơn và giúp giảm bớt nguy cơ bạo lực.

Theo tờ Công dân Ottawa (Canada), trong một bức thư gửi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cố vấn cao cấp của NATO Stephen Henthorne đã cảnh báo rằng Mỹ có thể sa lầy trong cuộc chiến tại Afghanistan một thời gian dài vì binh sĩ Mỹ không được huấn luyện cách thức liên hệ với dân chúng hoặc có sự am hiểu về nền văn hóa phức tạp của Afghanistan.

Ông Henthorne cho biết quân đội Mỹ quá tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, trong khi xao nhãng việc hợp tác với các cơ quan dân sự cũng như dân chúng Afghanistan.

Mặc dù nhấn mạnh rằng các ý kiến của ông không phản ánh quan điểm của NATO hay các quốc gia thành viên NATO, nhưng Henthorne vẫn cho rằng Canada, Anh, Hà Lan đã thành công hơn Mỹ trong việc tiếp cận với dân chúng Afghanistan vì họ biết lắng nghe và am hiểu văn hóa Afghanistan.

Hơn thế nữa, các chiến dịch của Mỹ như xóa bỏ buôn bán thuốc phiện không có tác dụng lâu dài đối với người dân Afghanistan vì đó là nguồn thu nhập chính của họ.

Trong khi đó, đại tá Daniel Roper, Giám đốc Trung tâm chống chiến tranh của lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết quân đội Mỹ đang tiếp tục huấn luyện binh lính dựa trên những bài học rút ra từ các cuộc chiến Iraq và Afghanistan.

Quân đội Mỹ đã yêu cầu các nhà xã hội học và nhân loại học giúp binh sĩ hiểu biết các nền văn hóa địa phương nơi họ đóng quân. Kể từ năm 2001, học thuyết quân sự của Mỹ đã thay đổi, tập trung vào cái gọi là "quét sạch, giữ vững và xây dựng".

Điều đó có nghĩa là phiến quân hoặc sẽ bị tiêu diệt, hoặc buộc phải rút lui khỏi khu vực tranh chấp. Sau đó, các đơn vị của Mỹ kiểm soát khu vực và hỗ trợ các cộng đồng dân chúng địa phương.

Đại tá Roper cho rằng chiến dịch chống quân bạo loạn phải mất nhiều thời gian và rất khó mới có thể thay đổi thái độ của người dân địa phương. Do vậy, quân đội Mỹ cần có thêm thời gian để học hỏi và tự điều chỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục