Mỹ có tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực lớn với Iran?

Những động thái rất ồn ào và ầm ĩ gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ dừng lại là các biện pháp "ngoại giao pháo hạm" xưa cũ và động thái răn đe.
Mỹ có tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực lớn với Iran? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng tin haaretz đưa tin ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng leo thang sắp xảy ra, đó là các cuộc tấn công khiêu khích của các lực lượng theo Hồi giáo dòng Shi'ite ủng hộ Iran hoạt động ở khu vực miền Tây "hoang dã" của Iraq.

Mỹ sẽ xử lý vấn đề này với Iran như thế nào? Liệu một cuộc tấn công trực tiếp và được lên kế hoạch từ trước nhằm vào binh lính Mỹ của các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Syria có đẩy Mỹ vào một tranh cãi - với trọng tâm là liệu Mỹ có tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực lớn chống lại Iran hay không?

Mới đây, chính phủ Mỹ vừa dẫn các tin tức tình báo để chỉ ra mối đe dọa từ các lực lượng ủy nhiệm của Iran đối với các lực lượng Mỹ tại khu vực.

Trên thực tế, những động thái rất ồn ào và ầm ĩ gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ dừng lại là các biện pháp "ngoại giao pháo hạm" xưa cũ và động thái răn đe.

[Mỹ tuyên bố chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp nhằm kiềm chế Iran]

Ngày 5/5, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã lên tiếng cảnh báo và thông báo Mỹ đang nhanh chóng triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông.

Ông nói: "Mỹ không tìm cách gây chiến với chế độ Iran, nhưng chúng tôi chuẩn bị đầy đủ để đáp trả mọi cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm, Lực lượng Cách mạng vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) hay các lực lượng thông thường của Iran."

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du không được thông báo trước tới Iraq ngày 7/5, chỉ một ngày ngay sau khi ông tuyên bố: "Hành động leo thang căng thẳng có thể đang diễn ra, và do đó chúng tôi đang tiến hành tất cả những động thái thích hợp, cả từ khía cạnh an ninh, cũng như (để đảm bảo)... tổng thống có nhiều lựa chọn trong trường hợp có điều gì đó thực sự xảy ra."

Đây là những điều đằng sau hồi trống giục chiến: Mỹ đang siết chặt "đinh vít" bằng các lệnh trừng phạt hiệu quả về dầu mỏ chống lại Tehran, và nếu "đường sinh mệnh" dầu mỏ của Iran bị cắt đứt trong khi nền kinh tế của nước này vốn đã rất suy yếu, thì Tehran có thể phản công bằng một cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào các lực lượng rải rác của Mỹ tại các khu vực ở Iraq hiện đang bị Iran chi phối.

Nếu điều này xảy ra, chắc chắn đó sẽ là một cuộc chiến rất lớn - cuộc chiến có thể nhanh chóng leo thang thành một xung đột với rất nhiều bạo lực và tốn kém hơn nhiều so với hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh giữa Mỹ và Iraq cách đây nhiều thập kỷ.

Iran, với dân số khoảng 80 triệu, có một quân đội rất lớn (gồm khoảng 550.000 quân chính quy), kho vũ khí ngày càng tăng trong đó có các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chính xác, cộng với một lực lượng hải quân không được tổ chức tốt nhưng sở hữu một nhóm các tàu ngầm rất khó phát hiện.

Ngày nay, tầm vươn địa chính trị của quốc gia này, trên thực tế có thể coi là tầm với về quân sự, kéo dài từ Tehran, qua Baghdad, tới Damascus và kết thúc ở Beirut: một hành lang có giá trị chiến lược cao xuyên khắp vùng Địa Trung Hải.

Hành lang chiến lược hình lưỡi liềm này là điều mà giới lãnh đạo cấp tiến của Iran thèm muốn từ nhiều thập kỷ qua và hiện đã đạt được, thông qua sức mạnh quân sự hay các biện pháp gây ảnh hưởng khác, và sức ảnh hưởng này hiện đã tiến sâu vào các khu vực xa xôi như Yemen, Venezuela và Triều Tiên.

Chỉ cuối tuần trước, Islamic Jihad, lực lượng ủy nhiệm của Iran ở dải Gaza, phối hợp cùng phong trào Hamas bắn hơn 600 rocket vào lãnh thổ Israel, nhằm thu hút sự chú ý của quân đội của Israel trong khi tập trung chuẩn bị cho các chiến dịch ở miền Đông, tại Syria và Iraq, do các lực lượng ủy nhiệm của Tehran tại đây thực hiện.

Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã đặc biệt thể hiện quan tâm tới việc phục hồi lãnh thổ của Liên bang Xôviết trước đây. Đổi lại, Moskva chấp nhận việc chế độ độc tài Tehran theo đuổi tầm ảnh hưởng “lịch sử” và mở rộng của riêng mình.

Chắc chắn Nga đã không nỗ lực thúc giục các đồng minh của mình ở Tehran kiềm chế, đặc biệt khi liên quan tới những lo ngại dâng cao của Israel về mối đe dọa tên lửa ngày càng lớn từ Iran.

Quốc hội Mỹ, vốn chỉ đang tập trung vào khả năng sẽ có các buổi điều trần thu hút mọi chú ý để tìm ra sự thật liên quan tới những hành vi bị cho là sai trái của Tổng thống Donald Trump sau khi bản báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller được công bố, hiện đã phải dừng lại và chuyển hướng chú ý tới mối đe dọa hiện hữu và gần ngay trước mắt về khả năng leo thang căng thẳng với Iran.

Sự tự mãn rằng hiện vùng đất cuối cùng của tổ chức khủng hố IS đã bị các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn xóa sổ là một điều sai lầm. “Bàn cờ” khu vực hiện nay gần như chỉ có Mỹ đối đầu với Iran, và những nước cờ đầu tiên đã được triển khai.

Trước đây, mặc dù các lực lượng được ủy nhiệm của Iran đã cài bom tự chế trên các chiến trường và trong các ngôi làng của Iraq, khiến hàng trăm binh lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Iraq, nhưng Mỹ gần như tránh xung đột trực tiếp với Iran trên chiến trường.

Tại thời điểm quan trọng hiện nay, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng Luật quyền hạn chiến tranh năm 1973, trong đó sử dụng từ ngữ một cách rất thận trọng.

Đạo luật quan trọng này hiếm khi được thực thi, nó tạo ra sự cân bằng giữa quyền tuyên bố chiến tranh của Quốc hội và nhu cầu của Tổng tư lệnh quân đội (cũng chính là tổng thống) về việc cần linh hoạt tối đa khi đối phó với những tình huống cấp bách liên quan tới an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như khi đối đầu với một cuộc xung đột hiện hữu và gần ngay trước mắt - các cuộc xung đột có thể gây ra những ảnh hưởng lớn và lâu dài đối với toàn bộ đất nước.

Luật về quyền hạn chiến tranh, đã trở thành luật bất chấp sự phản đối của tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon, quy định rằng tổng thống có thể đưa quân đội Mỹ tới tham gia một cuộc chiến ở nước ngoài chỉ khi Quốc hội tuyên bố chiến tranh, “quyền hạn được luật pháp cho phép” hay “trong trường hợp khẩn cấp quốc gia xuất phát từ một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, lãnh thổ hay các tài sản, hoặc các lực lượng vũ trang của Mỹ."

Việc gần đây chính quyền Trump liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố, về mặt lý thuyết, đã giúp Nhà Trắng có vỏ bọc hợp pháp để tấn công các đơn vị của IRGC ở Iraq và Syria mà không cần có sự chấp nhận của Quốc hội hay một tuyên bố chiến tranh trong trường hợp có các hành động thù địch bị nghi ngờ hoặc thực sự đe dọa nước Mỹ hay các lực lượng đồng minh trong khu vực.

Dưới đây là tình hình hiện nay, và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi truyền thông đưa tin các lực lượng trên bộ của Mỹ đang được tăng cường tại Iraq, sau những bình luận gần đây của Tổng thống Trump về việc ông mong muốn tiếp tục theo dõi sát sao Iran từ Iraq.

Iran, cảm thấy sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt kinh tế và dầu mỏ của Mỹ, muốn Mỹ ra khỏi Iraq và Syria, và sẽ sử dụng các lực lượng phiến quân được ủy nhiệm để làm thay đổi lịch sử theo hướng Tehran muốn và ngăn chặn những nỗ lực xa hơn nữa của Mỹ trong việc dùng các biện pháp trừng phạt để bóp nghẹt Iran.

Nga đã "bật đèn vàng" với Tehran, hoặc thậm chí đã úp mở "bật đèn xanh," khi Iran thúc đẩy chương trình nghị sự của mình trên chiến trường khu vực.

Tổng thống Mỹ, với quan điểm và các chính sách chống Iran mạnh mẽ, được những nhân vật "diều hâu" chống Iran ủng hộ là Cố vấn an ninh quốc gia Bolton và Ngoại trưởng Pompeo.

Tới tận gần đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, cũng là một tướng hải quân có cấp bậc cao, đã lên tiếng cảnh báo các động thái hung hăng của Washington đối với Iran, nhưng tiếng nói ấy, sau khi ông Mattis từ chức, đã không còn được Nhà Trắng lắng nghe. Điều tương tự cũng diễn ra với cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Trump, ông H.R.McMaster.

Israel ngày càng bực tức khi Iran tăng cường sức mạnh của mình tại Syria với khả năng tên lửa tiên tiến, và điều này xảy ra sau khi Tehran thực hiện chính sách kéo dài một thập kỷ ủng hộ lực lượng Hezbollah ở Lebanon với hàng chục nghìn tên lửa đã bắn vào lãnh thổ Israel.

Chính phủ theo đường lối cứng rắn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rõ ràng: Israel sẽ không cho phép sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria. Cuộc tấn công bằng rocket của nhóm Islamic Jihad ở Dải Gaza đã làm gia tăng nghiêm trọng căng thẳng xuyên biên giới giữa Israel và Iran.

Mỹ có tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực lớn với Iran? ảnh 2Tàu sân bay Mỹ đi qua kênh đào Suez giữa lúc căng thẳng với Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Câu hỏi đặt ra là: Liệu Mỹ - vốn đang bận tâm với các câu hỏi xung quanh hai vấn đề là Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 hay không và liệu Tổng thống Trump có cản trở việc thực thi công lý hay không - có bị thử thách bởi những động thái mang tính cơ hội của các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Iraq và Syria trong tương lai gần hay không?

Môi trường an ninh hiện nay của khu vực ngày càng trở nên "mong manh và nguy hiểm," theo lời một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.

Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp quân đội Mỹ ở Iraq và Syria bị tấn công bởi các lực lượng theo Hồi giáo dòng Shi'ite nằm dưới sự kiểm soát của Tehran.

Nếu điều đó xảy ra, trong khi Mỹ đang quá quan tâm tới các vấn đề trong nước, thì rủi ro sẽ rất cao.

Một động thái nghiêm trọng từ Tehran, ví dụ như chặn eo biển chiến lược Hormuz để cản trở việc vận chuyển dầu mỏ, cũng có thể sẽ xảy ra và kết quả sẽ không thể dự báo được.

Trong bối cảnh tổng thống đang "bị vây hãm" ở trong nước, liệu Quốc hội có đủ bình tĩnh, sáng suốt và tập trung giải quyết vấn đề leo thang căng thẳng ở Trung Đông hay không?

Liệu Quốc hội có thể thể hiện vai trò kiểm soát và cân bằng của mình theo quy định của Hiến pháp hay không?

Là một quốc gia, người Mỹ luôn cùng nhau đoàn kết trong những thời khắc quan trọng, khi tính mạng và tài sản của người dân Mỹ bị đe dọa. Kẻ thù không nên nghi ngờ quyết tâm của Mỹ trong việc đáp trả các mối đe dọa ở nước ngoài, cho dù trong thời điểm nội bộ Mỹ đang bất ổn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục