Mỹ công bố tài liệu nhằm bảo vệ giám sát cuộc thoại

Chính quyền Mỹ tiết lộ tài liệu, trong đó có lệnh của tòa án cho phép các cơ quan chức năng thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi.
Trong bối cảnh chương trình do thám khổng lồ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và dư luận trong nước, ngày 31/7, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã tiết lộ một số tài liệu quan trọng, trong đó có lệnh của tòa án cho phép các cơ quan chức năng thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi ở Mỹ.

Động thái này một lần nữa nhằm chứng minh phạm vi hoạt động, sự minh bạch và tính hữu dụng của hoạt động tình báo bên trong lãnh thổ Mỹ.

Trong một tuyên bố của, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho biết việc công bố các thông tin này nhằm đáp ứng sự quan tâm của người dân. Ba văn bản của tòa được công bố là cơ sở pháp lý để các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ triển khai các chương trình giám sát gây tranh cãi thời gian vừa qua.

Nổi bật trong các văn bản này là lệnh của Tòa án Luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA) cho phép một công ty thu thập thông tin các cuộc thoại như số điện thoại, thời gian thoại song không bao gồm nội dung. Văn này cũng giới hạn thời gian NSA tiếp cận và lưu giữ các cơ sở dữ liệu trong 5 năm.

Tài liệu thứ hai liên quan đến một bức thư được viết vào năm 2009 gửi lên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, liên quan đến Đạo luật Yêu nước được gia hạn, nhằm thuyết phục dư luận về va i trò quan trọng của chương trình giám sát tình báo trong cuộc chiến chống khủng bố. Tài liệu thứ ba bao gồm các bản báo cáo trong năm 2009 và 2011 liên quan đến "Chương trình Thu thập lớn" nằm trong Luật Yêu nước, được thông qua ngay sau các vụ tấn công 11/9/2001.

Cùng ngày, trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ James Cole cho biết thêm lệnh tòa được công bố trên giải thích rõ ràng cách thức chính phủ sử dụng dữ liệu cuộc gọi do các tập đoàn viễn thông lớn như Verizon cung cấp.

Theo lệnh này, chính phủ "chỉ có thể tìm kiếm dữ liệu nếu họ có mối nghi ngờ rõ ràng rằng thuê bao điện thoại bị theo dõi có liên quan đến một số tổ chức khủng bố nhất định". Thứ trưởng Tư pháp Cole cùng một số quan chức tình báo Mỹ đã lên tiếng bảo vệ chương trình do thám này như một công cụ an ninh quốc gia tối quan trọng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban trên Patrich Leahy đã bày tỏ sự hoài nghi về tính hữu ích của các thông tin thu thập. Ông cho biết sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm siết chặt việc thu thập dữ liệu cá nhân trong công tác chống khủng bố. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein cảnh báo nguy cơ an ninh nước Mỹ bị đe dọa.

Trong một diễn biến liên quan, nhật báo "Người bảo vệ" (The Guardian) của Anh ngày 31/7 dẫn tài liệu mật do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp cho biết hệ thống do thám bí mật mang tên XKeyscore cho phép cơ quan tình báo Mỹ giám sát "gần như tất cả những gì một người sử dụng điển hình làm trên mạng."

Báo trên cho hay XKeyscore là một trong những chương trình hoạt động trên phạm vi rộng lớn nhất của NSA. Theo báo trên, sự tồn tại của XKeyscore cho thấy tính xác thực của những tuyên bố trước đó của Snowden, điều bị một số quan chức Mỹ bác bỏ.

Trên trang web của mình, "Người bảo vệ" đã công bố một tệp các trang tóm tắt (slide) từ cái dường như là một hướng dẫn tình báo nội bộ Mỹ cho thấy các khả năng của chương trình XKeyscore. Tuy nhiên, báo này đã bôi đen bốn trong tổng số 32 slide do "chúng tiết lộ những chi tiết hoạt động cụ thể của NSA".

Cùng ngày, một luật sư Nga đang hỗ trợ người tiết lộ thông tin tình báo Mỹ Snowden cho biết Chính phủ Nga chưa nhận được từ Mỹ các giấy tờ cụ thể và hợp pháp về yêu cầu dẫn độ cựu kỹ thuật viên 30 tuổi này.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình địa phương, luật sư Anatoly Kucherena cho biết điều kiện dẫn độ Snowden bao gồm các điều khoản pháp lý kèm với giấy tờ hợp thức theo đúng với các điều khoản pháp lý này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục