Mỹ công bố về hàm lượng thạch tín có trong gạo

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) tại Mỹ vừa trấn an người tiêu dùng không nên quá lo lắng về hàm lượng thạch tín chứa trong gạo.
Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) tại Mỹ vừa trấn an người tiêu dùng không nên quá lo lắng về hàm lượng thạch tín chứa trong gạo, song cần phân chia khẩu phần ăn khi cần thiết.

Theo hãng tin AP, FDA đã công bố nghiên cứu về hàm lượng thạch tín trong 1.300 mẫu gạo và các sản phẩm gạo. Đây là nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến chất carcinogen có trong gạo. Các nhóm khách hàng đã gây áp lực đối với FDA trong việc đưa ra tiêu chuẩn cho phép đối với hàm lượng thạch tín chứa trong các sản phẩm gạo.

Theo nghiên cứu, hàm lượng thạch tín chứa trong các loại gạo khác nhau, gạo nâu chứa hàm lượng cao nhất và gạo ăn liền chứa ít nhất. FDA cho biết do lượng thạch tín thấp nên người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng và không phải lo lắng về các tác hại cho sức khỏe ngay lập tức hoặc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn đang nghiên cứu thêm những tác hại lâu dài nếu sử dụng gạo này.

Thông thường, gạo được cho là chứa hàm lượng thạch tín cao hơn so với hầu hết các lương thực khác, do lúa được trồng trên vùng đất có nước và đây chính là cơ hội cho các chất ô nhiễm lan rộng và ngấm vào đất.

FDA đang nghiên cứu về lượng thạch tín hấp thụ vào cơ thể con người nếu ăn loại gạo này và xem xét liệu hàm lượng này có nguy hiểm không. Cơ quan này sẽ cùng nghiên cứu với Viện Bảo vệ Môi trường và Sức khỏe Quốc gia để đưa ra bản đánh giá về nguy cơ và các tác hại của loại gạo chứa thạch tín này.

Ngành sản xuất lúa gạo Mỹ cũng cho biết đang làm việc với FDA, đồng thời cũng tiến hành nhiều nghiên cứu riêng để tìm cách giảm lượng thạch tín, trong đó bao gồm việc quản lý nguồn nước tưới tiêu cánh đồng lúa và các phương pháp chế biến và phơi khô.

Bà Urvashi Rangan, Giám đốc đặc trách vấn đề an toàn của giới tiêu thụ của Consumers Union, tức phân ban chính sách của Consumer Reports, có trụ sở tại Yonkers, New York, cho biết tổ chức này hy vọng FDA sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về chất thạch tín, nhờ đó nông dân có thể áp dụng thêm các bước nhằm loại bỏ chất carcinogen trong lúa gạo.

Trước tình hình đó, Chính phủ Mỹ và các cộng đồng y tế công cộng đã khuyến khích người tiêu dùng thay đổi khẩu phần ăn nhằm giảm nguy cơ và tác hại từ gạo.

Tiến sỹ Stephen Daniels thuộc bệnh viện Colorado; đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Dinh dưỡng thuộc Viện Nhi khoa tại Mỹ, cho biết đã có những chứng minh cho thấy ngoài gạo ra, thì các loại ngũ cốc khác hay thịt, hoa quả và rau đều có lợi cho sức khỏe./.

Linh Đào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục