Mỹ đã chi 103 tỷ cho chương trình tái thiết Afghanistan

Mỹ đã chi 103 tỷ USD cho chương trình tái thiết tổng thể Afghanistan song khó có thể tiếp tục duy trì chương trình này do khả năng tài chính eo hẹp.
Mỹ đã chi 103 tỷ cho chương trình tái thiết Afghanistan ảnh 1Lính Mỹ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan cách sử dụng pháo cối. (Nguồn: Reuters)

Mỹ đã chi 103 tỷ USD cho chương trình tái thiết tổng thể Afghanistan, từ các bệnh viện đến lực lượng an ninh, song nhiều khả năng Kabul sẽ không thể tiếp tục duy trì chương trình này do khả năng tài chính eo hẹp.

Phát biểu tại Viện nghiên cứu chiến lược về Trung Đông tại Washington, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan, ông John Sopko cho biết dù những can dự của Mỹ tại chiến trường này đang giảm dần nhưng mỗi năm Mỹ vẫn sẽ viện trợ cho Afghanistan từ 6-10 tỷ USD.

Hiện tại Mỹ đã phê chuẩn 18 tỷ USD cho các dự án ở quốc gia Nam Á này nhưng chưa được giải ngân.

Cũng theo ông John Sopko, số tiền viện trợ hàng năm của Mỹ dành cho Afghanistan lớn hơn tổng số tiền dành cho Israel, Ai Cập và Pakistan cộng lại.

Lý do là vì chính phủ Afghanistan cần ngân sách hàng năm vào khoảng 7,6 tỷ USD nhưng chỉ có thể thu được 2 tỷ USD từ tiền thuế của người dân. Do vậy, nếu không có sự đóng góp tài chính từ các nước tài trợ thì Afghanistan - vốn đang là một trong những nước nghèo nhất thế giới - sẽ không thể bù đắp được sự thâm hụt đó.

Cũng trong bài phát biểu, ông Sopko đã đề cập đến báo cáo của Trung tâm phân tích hải quân, trong đó kết luận rằng lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan cần quân số khoảng 373.000 người, cao hơn nhiều so với kế hoạch đã lên hiện nay. Nhưng để duy trì lực lượng này, Kabul cần khoản ngân sách từ 5-6 tỷ USD mỗi năm, cao gấp ba lần so với ngân sách hiện có.

Ông Sopko cũng bày tỏ nghi ngại xung quanh việc chính phủ Afghanistan không có đủ năng lực thực hiện các dự án tái thiết và giải ngân các khoản tiền được tài trợ. Đơn cử như chính quyền Kabul đã cam kết sẽ tiến hành các hoạt động hướng tới việc tự chi trả về nhiên liệu, nhưng kết quả kiểm toán năm 2010 cho thấy nước này không thực hiện được mục tiêu trên và hiện rất cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài cho chương trình này.

Theo nhận định của ông Sopko, sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm, tình hình an ninh sẽ trở nên hỗn loạn và gây khó khăn nhiều hơn cho các thanh sát viên chịu trách nhiệm giám sát các dự án tái thiết do Mỹ đầu tư.

Ông Sopko cho rằng sau năm 2014, nhiều khả năng các thanh sát viên sẽ chỉ tiếp cận được khoảng 20% tổng số dự án triển khai tại Afghanistan và chính phủ Mỹ cần phải tính đến yếu tố này khi quyết định viện trợ cho Kabul./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục