Mỹ đã chuẩn bị kịch bản để tấn công Iran?

Một kịch bản Mỹ tấn công quân sự Iran, mà trong số các tác giả có có cả sỹ quan tình báo và quân đội Mỹ đang tại ngũ, vừa được hé lộ.
Mỹ đã chuẩn bị kịch bản để tấn công Iran? ảnh 1Binh sỹ Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo đài Sputnik và đài TNHK, việc Mỹ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran là không thể tránh khỏi và có thể xảy ra trong tháng 8/2018.

Kênh phát thanh truyền hình địa phương ABC, trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Australia, cho biết.

Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vội vã xua tan “tin đồn” về một cuộc tấn công của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân Iran và sự tham gia của Australia.

Ông Turnbull kêu gọi không nên tin vào những lời của kênh truyền hình ABC. Song, ngay sau đó một kịch bản can thiệp quân sự vào Iran, dưới tên gọi “Iran Tự do” được đăng trên ấn bản Mỹ The National Interest, theo đó, sẽ diễn ra trong năm 2026.

Trong số các tác giả của kịch bản này có cả sỹ quan tình báo và quân đội Mỹ đang tại ngũ.

Lý do cho sự bùng nổ chiến tranh là việc Iran lại bắt đầu tích cực phát triển vũ khí hạt nhân. Và năm 2026, Mỹ sẽ có những bằng chứng không thể chối cãi việc Iran đang làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại Iran sẽ không phải bắt đầu bằng các cuộc tấn công từ hàng không mẫu hạm nằm trong vùng Vịnh Persian mà là việc sử dụng các lực lượng mặt đất từ Iraq, mà đến năm 2021 sẽ hoàn toàn bị chia cắt thành các tiểu quốc Sumer, Kurdistan và Iraq.

[Cựu Thứ trưởng Mỹ: ông Trump không hiểu văn hóa kháng chiến của Iran]

Theo các tác giả, sự phân chia lãnh thổ Iraq có những hậu quả nghiêm trọng đối với cân bằng lực lượng trong khu vực. Mỹ sẽ có chỗ đứng vững chắc ở Fallujah và Ar-Ramadi - lãnh thổ của “Quốc gia Nhà nước Iraq.”

Seyed Hadi Afgahi- nhà khoa học chính trị Iran chuyên gia về khu vực Trung Cận Đông, nhà cựu ngoại giao Iran ở Liban- nói với Sputnik về kịch bản cuộc xung đột có thể ảnh hưởng tới tình hình khu vực thế nào, khả năng chia cắt Iraq đến đâu và việc sử dụng nó như căn cứ cho một cuộc tấn công tiềm năng vào Iran:

Thứ nhất, kịch bản về một cuộc xâm lược quân sự chỉ là trí tưởng tượng của tác giả, không có văn bản nào xác nhận.

Thứ hai, các điều kiện trong khu vực để thực hiện một cuộc can thiệp như kịch bản bởi người Mỹ và các đồng minh của họ (cho dù là Anh, Pháp, hay thậm chí là Saudi Arabia) chưa thuận lợi.

Bên cạnh đó, không phải Mỹ hay bất cứ quốc gia châu Âu nào lại nghĩ rằng nếu bây giờ họ tấn công Iran, họ có thể kiểm soát Iran và đạt được điều, như chính họ đặt ra: ‘Hạ gục, để Iran không còn đóng vai trò chiến lược trong khu vực.’ 

Thứ ba, có một vấn đề quan trọng hơn. Khi Donald Trump đe dọa ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Iran, ông ta phải đối mặt với sự đáp trả. Giới lãnh đạo chính trị và quân sự của chúng tôi cho biết ngay cả trước khi bắt đầu lệnh cấm vận dầu mỏ, Iran sẽ chặn eo biển Hormuz lại (con đường biển mà qua đó vận chuyển 1/5 nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ của thế giới từ Vịnh Persian đến Tây Âu, Mỹ và Nhật Bản).

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng dầu mỏ ở vùng Vịnh đã bắt đầu. Gần đây Saudi Arabia đã đình chỉ xuất khẩu dầu mỏ qua Bab el-Mandaba vì các cuộc tấn công tên lửa từ Yemen vào các tàu chở dầu Arabia. Và điều này xảy ra ngay cả trước khi xuất hiện lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ chống lại Iran và phong tỏa eo biển Hormuz.

Mỹ đã chuẩn bị kịch bản để tấn công Iran? ảnh 2Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran nằm cách thủ đô Tehran 1.200km về phía nam ngày 20/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực vào một cuộc xung đột quân sự, không đưa đến bất kỳ lợi ích nào cho Mỹ. Nếu điều này xảy ra, người ta sẽ đổ lỗi cho Mỹ, từ một lục địa khác đến đây và cố gắng tạo ra tình trạng bất ổn ở eo biển Hormuz.

Nếu va chạm xảy ra, sẽ không chỉ hạn chế trong cuộc chiến giữa Iran và Mỹ. Nhiều quốc gia và các nhóm cực đoan từ các nước khác nhau sẽ tham chiến. Do đó, ngày bắt đầu cuộc xung đột quân sự, cho dù đó là ngày mai hoặc 2026, không phải là quá quan trọng. Iran đã sẵn sàng trong mọi trường hợp để đẩy lùi các lực lượng có số lượng vượt trội. 

Theo Afgahi, Mỹ không có nhiều lựa chọn ở Iraq để biến nước này thành căn cứ xuất phát tấn công Iran: “Đối với người Mỹ, vấn đề quan trọng là chia rẽ Iraq. Họ cố gắng để làm điều này nhưng hiện chưa thành công.

Ban đầu, họ đã tạo ra tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, muốn nhóm này tạo ra một nhà nước Sunni. IS đã thách thức quân đội Chính phủ Iraq, Iran và các lực lượng ‘Hashd al-Shabi’ (liên minh người Shiite, Yezidi và lực lượng dân quân Thiên chúa giáo đứng về phía Chính phủ Iraq).

Người Mỹ sau đó quyết định thử thời vận, đánh cược vào người Kurd. Thậm chí trước khi IS bị đánh bại và giải phóng Mosul khỏi những kẻ khủng bố, Massoud Barzani đã quyết định tuyên bố người Kurd độc lập hoàn toàn khỏi Chính phủ Iraq, được gọi là một cuộc trưng cầu dân ý.

Nhưng Chính quyền Trung ương ở Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc chia tách và thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd, vì sẽ là sự khởi đầu của một chuỗi các sự kiện khó khăn và nguy hiểm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả 4 quốc gia này.

Kết quả là, quân đội Chính phủ Iraq và ‘Hashd al-Shabi’ di chuyển về khu tự trị Iraq Kurdistan và đúng theo nghĩa đen đã giật lấy một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, Kirkuk, từ ‘nanh vuốt’ của Barzani.

Mỹ đã chuẩn bị kịch bản để tấn công Iran? ảnh 3Nhà máy sản xuất UF6, vốn ngưng hoạt động từ năm 2009 do thiếu quặng urani, là một phần của cơ sở chuyển đổi urani Isfahan. (Nguồn: AhlulBayt/ TTXVN)

[Sẽ không có thỏa thuận hạt nhân Iran thứ hai?]

Nhà lãnh đạo người Kurd Barzani nhượng bộ. Do đó bây giờ không thể thực hiện việc chia cắt Iraq như người Mỹ mong muốn.

Nhưng nói chung, người Mỹ vẫn đang lên kế hoạch chia cắt Iraq để sử dụng như căn cứ cho cuộc tấn công mặt đất của họ vào Iran. Bởi thế họ phát động chiến tranh tâm lý.

Nghĩa là, họ muốn làm suy yếu Iraq từ bên trong, để từ quan điểm kinh tế và an ninh, nước này sẽ đánh mất vai trò của mình trong khu vực.” 

Trong khi đó, Trung Quốc với vai trò và ảnh hưởng của mình vẫn cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, cho biết sẵn sàng nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân vốn cho phép Iran xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế.

Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Trung Quốc luôn giữ quan điểm, Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) là một thỏa thuận đa phương vốn đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kiểm chứng, phê chuẩn, phù hợp với lợi ích chung của tất cả các bên và của cộng đồng quốc tế và cần phải được tôn trọng và bảo vệ để duy trì thẩm quyền của Liên hợp quốc, tính hiệu quả của các thỏa thuận đa phương và uy tín của các luật lệ quốc tế.” 

Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt lại các lệnh cấm vận của Mỹ. Chính quyền Trump yêu cầu các nước nhập khẩu dầu của Iran dừng mua dầu của nước này.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran. Hãng tin Bloomberg vừa loan tin rằng chính quyền Trump đã thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc dừng mua dầu của Iran.

Theo Tân Hoa Xã, “Mỹ đã không thể thuyết phục được Trung Quốc cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Hành động này đã giáng một cú vào nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm cô lập nước Cộng hòa Hồi giáo sau khi ông rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015.” 

Về phần mình, Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nếu nước này bị cô lập trên thị trường dầu toàn cầu. Eo biển này chiếm 20% lượng dầu mỏ giao dịch toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục