Mỹ: Đàm phán nợ công đạt bước tiến triển tích cực

Đàm phán giữa các lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại QH Mỹ và Nhà trắng thu được những tiến triển rõ rệt về nâng mức trần nợ công.
Theo Reuters/AFP, phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ và Nhà trắng đã thu được những tiến triển rõ rệt về việc nâng mức trần nợ công.

Theo các cố vấn gần gũi với cuộc đàm phán, hai bên đang tập trung vào phương án nâng trần nợ công thêm 2.800 tỷ USD, đi kèm với việc cắt giảm một khoản chi tiêu ngân sách tương tự, song con số cuối cùng vẫn chưa được ấn định.

Có tin lại cho hay phương án mới, đang trong quá trình thương thảo, sẽ chia làm hai bước nâng mức trần nợ công của Mỹ lên thêm 2.400 tỷ USD. Bước đầu sẽ lập tức tăng thêm 1.000 tỷ USD cho trần nợ công; bước thứ hai sẽ nâng mức trần nợ trong thời gian từ nay tới cuối năm.

Giới phân tích dự kiến hai đảng sẽ đi đến thỏa hiệp vào phút chót nhằm tránh để nền kinh tế đầu tàu thế giới rơi vào tình bị vỡ nợ.

Trước đó, dự luật về nợ công do Đảng Dân chủ đề xuất tại Thượng viện đã không nhận được hai phần ba số phiếu cần thiết tại Hạ viện. Hai đảng tiếp tục cáo buộc lẫn nhau không chịu nhượng bộ.

Nếu Quốc hội Mỹ không tìm được giải pháp cho phép nâng trần nợ công hiện nay lên trên 14,3 nghìn tỷ USD trước ngày 2/8 tới, Mỹ sẽ vỡ nợ kỹ thuật.

Trong diễn biến liên quan, Thượng viện Mỹ đã lùi thời điểm bỏ phiếu về kế hoạch trần nợ công và giảm thâm hụt ngân sách do lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Harry Reid đệ trình từ 1 giờ sáng theo giờ miền Đông ngày 31/7 sang 13 giờ chiều cùng ngày để các nhà đàm phán "có nhiều thời gian nhất có thể."

Phe Cộng hòa tuyên bố phản đối kế hoạch này.

Tính đến ngày 16/5 vừa qua, tổng nợ công của Mỹ đã chạm mức tối đa 14, 294 tỷ USD, tương đương gần 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bộ Tài chính Mỹ đã phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để giúp chính quyền Obama vận hành bình thường đến ngày 2/8 tới.

Sau thời hạn đó, nếu Hạ viện không ủng hộ phá ngưỡng trần nợ, bộ trên không thể phát hành thêm trái phiếu và khi đó Chính phủ Mỹ sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.

Lãnh đạo các doanh nghiệp và tài chính cảnh báo vỡ nợ sẽ gây ra những dư chấn to lớn đối với nền kinh tế Mỹ vốn vẫn đang trong quá trình phục hồi mong manh sau cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008.

Tổng thống Obama đã kêu gọi cả hai đảng cần có sự nhượng bộ lẫn nhau vì thời gian đang sắp hết, đồng thời khẳng định lại việc ông phản đối đưa ra một dự luật nâng trần nợ trong ngắn hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục