Mỹ đang bất lực nhìn Nga và Iran kiểm soát Syria và Trung Đông?

Có phải Mỹ đang bất lực nhìn Nga và Iran kiểm soát Syria?

Theo The Wall Street Journal, với cuộc tấn công nhằm vào Idlib, Mỹ đang bất lực nhìn Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung dần dần nằm gọn trong tầm kiểm soát của Iran và Nga.
Có phải Mỹ đang bất lực nhìn Nga và Iran kiểm soát Syria? ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại Syria. (Nguồn: Sputnik/TTXVN)

Theo Tân Hoa Xã, mặc dù Washington đang lớn tiếng đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria sau khi có thông tin cho biết các lực lượng chính phủ Syria có khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các tay súng tại tỉnh Idlib, giới chuyên gia cho rằng chưa chắc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hành động như lời nói.

Theo nhận định của Đài RFI, đằng sau những lời cảnh cáo và đe dọa của Mỹ, người ta vẫn không thấy bóng dáng bất kỳ chiến lược rõ ràng nào của Trump đối với Syria, giống như người tiền nhiệm Barack Obama.

Mỹ từng hai lần tiến hành oanh kích Syria vào tháng 4/2017 và tháng 4/2018 để trừng phạt chế độ Damascus, sau khi lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị cho là sử dụng vũ khí hóa học đối với thường dân Syria.

Thế nhưng, những cuộc oanh kích trừng phạt đó đã không làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Tổng thống Assad và hai đồng minh Nga, Iran vẫn đang kiểm soát toàn bộ Syria.

Theo phân tích của nhật báo The Wall Street Journal ngày 4/9, Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng khi thành phố Raqqa được giải phóng khỏi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông sẽ triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria.

Thế nhưng, sau đó ông Trump nhận thấy là việc triệt thoái sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng về chiến lược đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Nếu quân Mỹ rút đi, Iran sẽ biến Syria thành một căn cứ nằm sát biên giới Israel.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã từng yêu cầu Iran rời khỏi Syria, và nhờ Moskva gây áp lực lên Teheran theo hướng này. Tuy nhiên, Iran và Nga đáp lại rằng họ đã nghe Tổng thống Trump nhiều lần hứa triệt thoái khỏi Syria mà vẫn không làm, vậy thì có lý do gì Iran phải rút đi.

[Nga hy vọng đạt được quan điểm chung với Mỹ về vấn đề Syria]

Trong khi đó, đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/9 sẽ họp thượng đỉnh với Nga và Iran ở Teheran để quyết định về các bước tiếp theo ở Syria, nhằm bảo đảm các lợi ích riêng của 3 nước này.

Theo The Wall Street Journal, Assad và các đồng minh Nga, Iran sẽ không dừng ở Idlib, mà mục tiêu tấn công kế tiếp của họ sẽ là lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), hai đối tác chính của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại khu vực sông Euphrate bên phía Syria.

Có nguy cơ lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria sẽ thương lượng ngừng bắn với chế độ Damascus để khỏi chịu chung số phận với Idlib.

Trong trường hợp đó, lực lượng Mỹ sẽ bị cô lập ở Syria và như vậy sẽ buộc phải rút đi, dẫn đến việc Iran sẽ làm chủ được khu vực đó, bất chấp những tuyên bố của Trump rằng bằng mọi giá phải ngăn chặn tham vọng khu vực của Teheran.

Theo The Wall Street Journal, Mỹ phải trấn an lực lượng người Kurd và Lực lượng Dân chủ Syria rằng Mỹ sẽ bảo vệ họ nếu họ bị tấn công, đồng thời phải vạch ra một chiến lược dài hạn để kềm chế Iran.

Trước mắt, cũng giống như chính quyền Obama trước đây, chính quyền Trump nay chỉ có thể đưa ra những lời cảnh cáo, đe dọa, chứ không thể làm gì hơn.

Nói cách khác, với cuộc tấn công nhằm vào Idlib, Mỹ đang bất lực nhìn Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung dần dần nằm gọn trong tầm kiểm soát của Iran và Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/9 đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, và hai bên đã nhất trí rằng một cuộc tấn công tiềm tàng tại tỉnh Idlib là "một sự leo thang liều lĩnh và không thể chấp nhận" trong bối cảnh xung đột như hiện nay ở Syria.

Sáng 4/9, Nhà Trắng cũng cho biết đang "theo dõi sát sao tình hình tại Idlib" và sẽ "phản ứng mau lẹ, thích hợp" nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học. Đồng thời, Nhà Trắng cũng nhắc lại dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 3/9 rằng "không nên liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib."

Ông Trump viết: "Hàng trăm nghìn người có thể bị sát hại. Đừng để điều đó xảy ra!"

Darrell West, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Brookings, nói với Tân Hoa Xã: "Ông Trump đang để mắt đến Syria, Nga, Iran, và ông ấy sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công nhằm vào Idlib. Ông ấy muốn tránh một làn sóng bạo lực khác có thể gây tổn hại cho những người dân thường vô tội và không muốn có thêm nhiều người tị nạn tràn vào châu Âu. Ông ấy đang đưa ra một giới hạn đỏ và yêu cầu các lực lượng chính phủ Syria không nên vượt qua giới hạn đó."

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cảnh báo rằng "nhiều khả năng Mỹ sẽ tiến hành một cuộc phản công nhằm vào quân đội Syria nếu Syria vẫn tiếp tục các có hành động quân sự tại tỉnh này."

Mặc dù vậy, Wayne White - Cựu Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với Tân Hoa Xã rằng "hiện chưa rõ Tổng thống Trump sẽ thực hiện lời cảnh báo của ông ấy ở mức độ nào."

Ông nhấn mạnh: "Ông Trump thường buông ra những lời cảnh báo và đe dọa, cả ở trong lẫn ngoài nước, trên Twitter, nhưng lại không kiên định thực hiện chúng. Nếu Mỹ không vạch ra một giới hạn đỏ rõ ràng và đáng tin cậy, quân đội Syria có thể sẽ tiến hành một số động thái quân sự tại Idlib."

David Pollock, học giả của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, nhận định rằng "rất ít khả năng Trump sẽ hành động quân sự" bởi những tuyên bố của Trump cho đến thời điểm này chỉ "tập trung vào vấn đề nhân đạo ở Idlib, chứ không nhấn mạnh tới lời đe dọa hay giới hạn đỏ của Mỹ. Trừ phi Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những nước chống lưng cho ông ta là Nga và Iran sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa trên quy mô lớn, nếu không, tôi cho rằng Mỹ sẽ không hành động quân sự."

Trung tướng Daniel L. Davis, chuyên gia quốc phòng của trung tâm Defense Priorities (Mỹ) nói với Tân Hoa Xã: "Có một câu hỏi khó mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải trả lời trước khi sử dụng vũ lực một lần nữa tại Syria, đó là: Việc sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ ở Syria có giúp chấm dứt cuộc xung đột này hay không? Có mang lại lợi ích cho Mỹ hay không? Có một sự thật bẽ bàng là KHÔNG! Nga có lợi ích quốc gia mang tính sống còn trong việc giúp Assad duy trì quyền lực...

Còn chúng ta không có lợi ích lâu dài nào tại Syria. Việc liều lĩnh đụng độ quân sự với Nga trong một kịch bản tồi tệ nhất có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, biến thành một cuộc chiến tranh ngu ngốc. Mỹ chỉ nên sử dụng vũ lực để chống lại các mối đe dọa trực tiếp hoặc các cuộc tấn công trên thực tế nhằm vào các công dân Mỹ hoặc đất nước chúng ta.

Tuy nhiên, do tình hình nhân đạo tại Syria hiện nay quá nghiêm trọng, nên việc sử dụng thêm sức mạnh quân sự sẽ chỉ khiến cho tình hình xấu đi, chứ chẳng giúp ích gì cho những người dân mà chúng ta đang muốn bảo vệ.

Kế hoạch khả thi nhất của Mỹ cho chính sách Trung Đông nên là kiềm chế bạo lực tại đó, ngăn nó lan rộng sang Mỹ và các nước đồng minh của chúng ta, và tránh thổi bùng xung đột. Việc đụng độ quân sự với Nga ở Trung Đông sẽ là gây trở ngại cho các lợi ích của chúng ta trong khu vực." 

Tuy nhiên, Davis thừa nhận rằng trên thực tế vẫn tồn tại khả năng Washington tiến hành các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria.

Ông nhấn mạnh: "Rõ ràng, Washington không nên tấn công quân sự Syria, nhưng Chính quyền Trump đã làm như thế 2 lần mà không phải hứng chịu hậu quả nào. Tôi lo rằng chính quyền Trump sẽ nghĩ họ có thể tiếp tục tấn công Syria mà không bị trả đũa."

Thế nhưng, theo Davis, không loại trừ khả năng lần tới Nga sẽ trả đũa Mỹ nếu Mỹ tấn công Syria. West cũng thừa nhận rằng "một cuộc tấn công quân sự của Mỹ sẽ khiến khu vực thêm căng thẳng. Nó có nguy cơ làm nảy sinh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng của Mỹ và Nga hoặc Iran, và khi đó tình hình sẽ leo thang nhanh chóng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục