Mỹ đối mặt đợt cắt giảm chi tiêu lần hai

Mỹ đang đối mặt với đợt cắt giảm chi tiêu lần thứ hai

Mỹ đang đối mặt với đợt cắt giảm chi tiêu toàn diện tự động lần thứ hai có khả năng sẽ gây "đau đớn" hơn nhiều so với lần đầu tiên.
Mỹ đang đối mặt với đợt cắt giảm chi tiêu lần thứ hai ảnh 1Tòa tháp văn phòng đầu tiên của Trung tâm thương mại thế giới mới ở hạ Manhattan, ngày 13/11. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Mỹ đang đối mặt với đợt cắt giảm chi tiêu toàn diện tự động lần thứ hai có khả năng sẽ gây "đau đớn" hơn nhiều so với lần cắt giảm đầu tiên, khi một viễn cảnh u ám đang bao trùm các cuộc đàm phán về ngân sách dự kiến được nối lại trong tuần này.

Đợt cắt giảm chi tiêu ngân sách đầu tiên có hiệu lực từ đầu năm nay khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không đạt được sự nhất trí về một thỏa thuận cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Một số cơ quan liên bang nhận thấy nhiều thay đổi lỏng lẻo (về vấn đề liên quan) đã giúp họ vượt qua các đợt cắt giảm chi tiêu tự động trong năm tài chính 2013 (kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua), cho phép giảm thiểu số công chức buộc phải nghỉ việc và duy trì nhiều dịch vụ công. Tuy vậy, hầu hết số tiền này đã được chi tiêu.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng hơn 5 tỷ USD số tiền chưa chi tiêu của những năm trước đó để làm dịu bớt tình trạng căng thẳng vì bị cắt giảm 39 tỷ USD từ ngân sách năm nay.

Nhiều nhà quan sát nghĩ rằng các cuộc đàm phán về ngân sách lần này sẽ không dẫn đến một kết quả như mong đợi. Theo họ, đây chỉ là một sự tiếp diễn của những tranh cãi giữa các đảng vốn đã diễn ra trong nhiều năm qua ở Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa một phần kéo dài trong 16 ngày hồi tháng Mười vừa qua, sau cuộc tranh cãi về dự thảo ngân sách tạm thời.

Hiện tại, Quốc hội Mỹ đã giới hạn ngân sách 2014 ở mức của năm 2013, trong lúc các nhà thương thuyết tìm kiếm một thoả thuận ngân sách giúp giảm bớt phần nào tác động của việc cắt giảm ngân sách tự động.

Nếu không đạt được một thỏa thuận, mức trần chi tiêu đối với ngân sách hoạt động sẽ giảm thêm 20 tỷ USD, mà hầu hết số tiền đó là từ ngân sách cấp cho Bộ Quốc phòng.

Hiện thời, các cơ quan ở Mỹ - mà tới nay đã đứng vững trước những tác động mạnh nhất của đợt cắt giảm ngân sách chi tiêu trong năm nay - đang chuẩn bị ứng phó vì cảm thấy tình hình sẽ còn xấu hơn nhiều khi đợt cắt giảm thứ hai diễn ra.

Một sự thu hẹp danh sách đối tượng tham gia và giá lương thực thấp hơn dự kiến cho phép Mỹ triển khai một chương trình trợ cấp lương thực đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi dành cho những phụ nữ đang mang thai và trẻ em có thu nhập thấp cho đến hết năm nay mà không phải lấy đi quyền lợi của bất kỳ ai.

Tuy vậy, một đợt cắt giảm ngân sách tự động lần thứ hai có nghĩa là một số phụ nữ có con nhỏ sẽ không còn nhận được trợ cấp xã hội trong năm 2014.

Nếu không có sự hỗ trợ của Quốc hội Mỹ, tân Giám đốc FBI James Comey cho biết các đợt cắt giảm ngân sách tự động sẽ buộc ông phải ra quyết định sa thải 3.000 lao động. Khoảng 36.000 nhân viên của FBI đang đối mặt với khả năng nghỉ việc không lương trong hai tuần.

Tình hình còn nghiêm trọng hơn đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, khi đợt cắt giảm ngân sách tự động lần đầu đã gây khó khăn, làm giảm khả năng sẵn sàng tác chiến của các phi đội thuộc Lực lượng không quân Mỹ.

Tác động của việc cắt giảm tự động diễn ra chậm trong nhiều trường hợp do thường phải mất vài tháng hay dài hơn kể từ thời điểm việc chi tiêu được phê chuẩn cho đến khi chính phủ chi tiêu trên thực tế.

Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên chính sách, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn độc lập dành cho người nghèo, tính toán rằng số hộ gia đình sẽ nhận được phiếu mua hàng vào cuối năm nay sẽ giảm 40.000-65.000 so với cuối năm 2012.

Và đến cuối năm 2014, con số này sẽ giảm thêm 125.000-185.000 hộ gia đình nếu việc cắt giảm ngân sách tự động vẫn diễn ra và một số hộ gia đình có thể không còn nhà để ở./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục