Mỹ đang ở đâu trong cán cân quyền lực tại Đông Á?

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhiều việc cần làm để sửa chữa và khôi phục uy tín cũng như hình ảnh của Mỹ ở khu vực Đông Á.
Mỹ đang ở đâu trong cán cân quyền lực tại Đông Á? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhiều việc cần làm để sửa chữa và khôi phục uy tín cũng như hình ảnh của Mỹ ở khu vực Đông Á.

Người tiền nhiệm ông Donald Trump đã hủy hoại nghiêm trọng vai trò của Mỹ ở khu vực này, qua đó giúp Bắc Kinh nâng cao vị thế đồng thời đẩy quan hệ Mỹ-Trung Quốc vào tình trạng thù địch và đối đầu nhất trong vòng 50 năm qua.

Ngoài ra, ông Trump cũng hủy hoại uy tín của Mỹ đối với mạng lưới đồng minh và đối tác mà ông Biden sẽ dựa vào để đối phó với thách thức chiến lược do Trung Quốc đặt ra.

Thực ra, ngay cả trước thời chính quyền Trump, các quốc gia Đông Á đã bắt đầu đánh giá lại chính sách của họ sau những thay đổi lịch sử trong cán cân quyền lực khu vực và sau khi các nước này ngày càng nghi ngại về bản chất và tính bền vững trong cam kết của Washington đối với khu vực. Chính chính sách đối đầu của ông Trump đối với Bắc Kinh cũng như chính sách liều lĩnh và bất nhất đối với các đồng minh khu vực đã khiến quá trình tái đánh giá chính sách nói trên diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ông Biden cần thổi một luồng sinh khí mới vào chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để thể hiện cách tiếp cận thực dụng song quan tâm nhiều hơn đến khu vực này.

Nhiều nhân vật trong đội ngũ chịu trách nhiệm thiết lập chính sách đối ngoại của ông Biden, đặc biệt Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Điều phối viên chính sách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell, có kinh nghiệm dày dặn khi chịu trách nhiệm về những vấn đề khu vực do họ đều phụ trách những vấn đề này từ thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama và chính quyền trước đó.

Thế nhưng, họ đều nhận thức rõ rằng họ không chỉ đơn thuần trở lại những chính sách thời ông Obama bởi thế giới đã thay đổi nhanh chóng trong vòng 4 năm qua. Washington cần những chiến thuật và chiến lược mới, trong đó cần tiến hành một số công tác đánh giá lại những mục tiêu và mong muốn của Mỹ tại khu vực Đông Á. 

Quá trình điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Đông Á không thể diễn ra một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh nước này đang ưu tiên giải quyết những thách thức cấp bách trong nước như cuộc chiến đại dịch COVID-19 và hàn gắn tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc.

Tổng thống Biden cũng không thể ngay lập tức đảo ngược tất cả chính sách của ông Trump về Đông Á. Ví dụ, chính trường trong nước Mỹ sẽ tác động đến khả năng ông Biden có thể tháo ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhanh chóng ở mức độ nào. Ngoài ra, việc hóa giải này cũng phụ thuộc vào những nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Ông Biden sẽ không trở lại trạng thái hài lòng hoặc "can dự" đơn thuần với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã trải qua quá nhiều sóng gió để có thể trở lại quỹ đạo bình thường.

[Định hình cách tiếp cận của ông Biden với Ấn Độ Dương-TBD]

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã bình luận trên tạp chí Foreign Affairs rằng "Mỹ thực sự cần cứng rắn với Trung Quốc vì những thách thức mang tính cưỡng ép và không đàng hoàng mà nước này đặt ra đối với Mỹ cũng như các đối tác và đồng minh của Mỹ, vì những mưu đồ của Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa hệ thống xã hội chủ nghĩa mang tính độc tài và vì vi phạm nhân quyền tồi tệ của nước này."

Trong các phiên điều trần trước các ủy ban quốc hội nhằm xác nhận vị trí ngoại trưởng Mỹ, ông Blinken bày tỏ đồng tình với chính quyền ông Trump rằng Trung Quốc đáng bị Mỹ đáp trả mạnh mẽ, mặc dù ông bất đồng với nhiều chính sách khác của ông Trump.

Kể từ khi lên nắm quyền, hai ông Blinken và Sullivan đều tái khẳng định sự cần thiết phải khiến Bắc Kinh phải thay đổi hành xử.

Mặc dù đội ngũ chính sách của Tổng thống Biden thừa nhận sự cần thiết hợp tác với Bắc Kinh về những vấn đề toàn cầu cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng đại dịch và kinh tế, song lại quyết không thoái chí đương đầu với Trung Quốc trong những vấn đề khác.

Trong một bài viết chung trên Foreign Affairs, ông Campbell và ông Sullivan khẳng định rằng "cách tốt nhất" để đối phó với Bắc Kinh là "cạnh tranh đi trước và hợp tác theo sau."

Họ đã đề xuất chính sách "cùng tồn tại được quản lý" và "cạnh tranh bền vững," dựa trên nhận thức là "mỗi bên sẽ cần phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để cùng tồn tại với bên còn lại là một cường quốc lớn."

Đội ngũ của ông Biden cũng nhận thức sự cần thiết phải đánh giá lại chính sách của chính mình, tỏ ra thận trọng khi không đánh giá quá cao sức mạnh và ưu thế của Mỹ đối với Trung Quốc.

Điều phối viên chính sách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Campbell và Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan cũng coi mục tiêu chính sách nói trên là việc cùng tồn tại với Trung Quốc "khi có lợi cho những lợi ích và giá trị của Mỹ."

Thách thức chính của chính sách nói trên chính là việc cạnh tranh với những mục tiêu theo đuổi của Trung Quốc vốn có lợi cho mà không để cuộc cạnh tranh giành vị thế siêu cường khu vực và toàn cầu rơi vào kết cục "tổng bằng 0" (tức cả hai đều không được gì).

Tin tốt đối với khu vực Đông Á là ông Biden và êkíp của ông đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong nỗ lực củng cố mạng lưới các quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực, nhằm sửa chữa những tổn hại mà ông Trump gây ra.

Mỹ đang ở đâu trong cán cân quyền lực tại Đông Á? ảnh 2Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng Washington cần "xây dựng một mặt trận thống nhất" nhằm đối phó với những hành xử chèn ép và những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Còn hai ông Campbell và Sullivan đều cho rằng "Sức mạnh tổng lực của các đồng minh và đối tác của Mỹ có thể định hình những lựa chọn hành xử của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực... nếu Washington dựa vào những mối quan hệ này và hợp tác chặt chẽ cùng với các đối tác và đồng minh." Thông điệp này giúp trấn an các nước đồng minh và đối tác của Mỹ.

Thế nhưng, nhiệm vụ của Tổng thống Biden sẽ không dễ dàng: ông sẽ phải làm nhiều để sửa chữa và khôi phục những tổn thất và hư hại mà chính quyền tiền nhiệm gây ra tại khu vực. Và ông Biden đã thừa nhận sự cần thiết phải "cứu vãn 'danh tiếng của Mỹ' và "xây dựng lại sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Mỹ."

Tuy nhiên, đó chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới việc xây dựng lại niềm tin vào cam kết của Washington đối với khu vực Đông Á cũng như vào uy tín, sự tin cậy, năng lực cạnh tranh về kinh tế và năng lực sẵn sàng triển khai hoạt động quân sự ở khu vực.

Do đó, Washington cần cập nhật đánh giá chính xác về những khác biệt trong nhận thức về lợi ích, mối ưu tiên và mối đe dọa của các nước đồng minh và đối tác. Mỹ cần tránh những rủi ro khi tận dụng đồng minh hoặc cần tránh những nguy cơ khi coi các mối quan hệ đồng minh này là nghiễm nhiên.

Ví dụ, Mỹ coi quan điểm của các đồng minh về cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc là giống với quan điểm của Washington hoặc Mỹ buộc họ phải chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington. 

Đa phần các quốc gia ở khu vực Đông Á đã điều chỉnh chính sách của mình theo những biến động về an ninh khu vực. Vì vậy, Mỹ không thể đơn thuần "sửa chữa những gì bị hư hại."

Washington cần hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để định hình được Mỹ đang nằm ở đâu trong cán cân quyền lực ở Đông Á và tận dụng đánh giá này làm nền tảng phục vụ việc làm mới vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong một bài viết khác cũng được đăng trên tạp chí Diễn đàn Đông Á, ban biên tập ghi nhận rằng chính sách đối ngoại của ông Biden tại châu Á đã được kích hoạt bằng hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ diễn ra hồi cuối tuần trước cùng với cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/3 vừa qua tại Alaska, Mỹ.

Cuộc gặp này có thể đặt nền móng cho Hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình trong tương lai. Ban biên tập nhận định những hoạt động ngoại giao nói trên là những bước đi táo bạo đầu tiên và không khó triển khai trong nỗ lực củng cố vị thế của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, nhiệm vụ ngoại giao tiếp theo của chính quyền Biden sẽ phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi sự khôn khéo và tinh tế hơn nữa.

Theo đó, chính quyền Biden cần coi các nước Đông Nam Á là "một người chơi" quan trọng trong khu vực, chứ không phải là một "quân tốt thí," trong nỗ lực tái thiết lập cán cân sức mạnh trong khu vực cũng như trong nỗ lực lôi kéo Bắc Kinh "chung tay" hợp tác vì sự ổn định chính trị khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục