Mỹ: Đằng sau quyết định "chính trị hóa" nền kinh tế của Fed

Nhiều người lo lắng về việc liệu Mỹ có đẩy nền kinh tế toàn cầu vào "vũng lầy suy thoái" hay không, do chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng bi quan.
Mỹ: Đằng sau quyết định "chính trị hóa" nền kinh tế của Fed ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí Eurasia Review ngày 22/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 đã công bố kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất, qua đó quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%, mức điều chỉnh cao nhất trong gần ba thập kỷ qua.

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng lạm phát đã tăng bất ngờ kể từ cuộc họp của Fed hồi tháng Năm. Đáp lại, Fed quyết định tăng mạnh lãi suất.

Cũng theo quyết định của cuộc họp vừa qua, Fed bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán từ ngày 1/6 và lên kế hoạch cắt giảm lượng tài sản nắm giữ trị giá khoảng 47,5 tỷ USD mỗi tháng. Con số này sẽ tăng lên 95 tỷ USD/tháng sau ba tháng.

Thị trường đã dự đoán Fed có thể tăng lãi suất mạnh mẽ và đây chính xác là những gì đã xảy ra, cho thấy quyết tâm của Fed nhằm kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn.

Vì lý do này, một số nhà phân tích tin rằng niềm tin của thị trường đối với chính sách tiền tệ Mỹ sẽ được khôi phục.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng về việc liệu Mỹ có đẩy nền kinh tế toàn cầu vào "vũng lầy suy thoái" hay không, do chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng bi quan.

Các nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu ANBOUND cho rằng sự thắt chặt tiền tệ khác thường của Fed là nhằm chấm dứt môi trường chính sách tiền tệ siêu lỏng được thực hiện trong đại dịch COVID-19 và để bù đắp cho những sai lầm trong chính sách của năm ngoái, khi mà Fed khẳng định lạm phát chỉ là "nhất thời."

Đồng thời, trong bối cảnh "chính trị hóa" vấn đề lạm phát, ý định của Fed là điều phối vấn đề "bầu cử giữa kỳ" của chính quyền Tổng thống Biden, tránh để đảng Dân chủ mất phiếu vì lý do không kiểm soát được lạm phát.

Kiểm soát lạm phát đã trở thành mục tiêu chính sách hàng đầu của Fed ngay bây giờ. Trong khi Fed đã đưa ra lựa chọn giữa kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng, điều đó không có nghĩa là mâu thuẫn sẽ biến mất.

Thay vào đó, đây sẽ trở thành một "trò chơi bập bênh" và trong tương lai có thể Fed sẽ phải đối mặt với những thách thức gay gắt hơn.

Ông Powell cũng nói rằng tại cuộc họp tiếp theo, Fed có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất với các mức tăng thêm 0,5% hoặc 0,75%. Tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu trong tương lai.

Lãi suất quỹ liên bang dự kiến sẽ được nâng lên trên 2% và dưới 3% vào cuối mùa Hè năm 2022. Nhiều người hy vọng rằng vào cuối năm 2022, lãi suất có thể được nâng lên mức hạn chế khoảng 3 -3,5%.

Biểu đồ chấm cho thấy các quan chức Fed dự kiến lãi suất chuẩn sẽ tăng lên 3,4% vào cuối năm nay và 3,8% vào cuối năm 2023. Tương ứng với các đợt tăng lãi suất bất ngờ này, Fed đã bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng Sáu.

[Kinh tế thế giới sẽ đón nhận gì từ lập trường “diều hâu” của Fed?]

Chính sách "thắt chặt kép" này sẽ không chỉ tác động đến thị trường vốn của Mỹ và toàn cầu, mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tại Mỹ.

Về nguy cơ suy thoái của nước Mỹ, ông Powell tin rằng sau khi suy giảm nhẹ trong quý đầu tiên, hoạt động kinh tế tổng thể dường như đã tăng lên và phía cầu của nền kinh tế vẫn đang nóng lên.

Mỹ: Đằng sau quyết định "chính trị hóa" nền kinh tế của Fed ảnh 2Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ông Powell tuyên bố rằng Fed sẽ không cố tạo ra suy thoái ở Mỹ ngay bây giờ và kinh tế Mỹ cũng đã chuẩn bị tốt cho việc Fed tăng lãi suất.

Tuy nhiên, ông Powell lưu ý rằng vẫn chưa có tiến triển về việc lạm phát giảm, mặc dù Fed muốn thấy những dấu hiệu đó. Chủ tịch Fed cũng cho rằng tiền lương không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát cao ở Mỹ hiện nay và không có vòng xoáy giá cả-tiền lương.

Ông Powell vẫn tin tưởng vào kinh tế Mỹ. Thật vậy, những đánh giá từ thị trường việc làm và các dữ liệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn ổn định. Tuy nhiên, thị trường vốn đã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh.

Không chỉ chứng khoán Mỹ suy giảm, trong khi thị trường trái phiếu cũng biến động, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ có ý nghĩa tham chiếu tăng mạnh.

Đồng thời, thị trường bất động sản hoạt động tốt sau đại dịch cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng mạnh và sẽ có nguy cơ vỡ nợ. Những biến động kinh tế và tài chính này, cũng như nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do lạm phát cao gây ra, có nghĩa là triển vọng kinh tế Mỹ đang không được tốt như ông Powell đã đề cập.

Tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán quá nhanh chắc chắn sẽ có tác động kiềm hãm đáng kể đối với kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế không rơi vào suy thoái, thì kinh tế cũng sẽ giảm tốc khi lạm phát "hạ nhiệt" và điều này sẽ làm gia tăng các mâu thuẫn như nợ, đầu tư và phân phối.

Theo ông Powell, Fed sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng lý do tại sao lạm phát của Mỹ "cao đến mức khó tin," cho thấy chính sách tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed chỉ có tác dụng kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn.

Lạm phát sâu xa có cả yếu tố mang tính cấu trúc giữa cung và cầu, có nghĩa là sau khi giảm xuống, lạm phát vẫn sẽ cao hơn mục tiêu 2% của Fed trong một thời gian nhất định.

Do đó, như lộ trình của Fed cho thấy, tốc độ tăng lãi suất sẽ không sớm dừng lại và có thể tiếp tục tăng cho đến cuộc bầu cử giữa kỳ. Do việc lạm phát tiếp tục duy trì và xu hướng đi xuống của nền kinh tế, tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Fed phải đối mặt trong tương lai sẽ càng trở nên rõ hơn.

Chính sách tiền tệ "quá tay" của Fed sẽ không chỉ có tác động lớn đến kinh tế Mỹ mà còn kéo các ngân hàng trung ương toàn cầu vào xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, điều có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo rằng làn sóng tăng lãi suất gần đây chỉ là bước khởi đầu của một chu kỳ thắt chặt toàn cầu. Ở châu Âu, Nhật Bản và các nước khác, các điều kiện tài chính toàn cầu sẽ cần phải thắt chặt hơn nữa để duy trì kỳ vọng lạm phát.

Các nhà nghiên cứu tại ANBOUND chỉ ra rằng dưới kỳ vọng chính sách thắt chặt của các ngân hàng trung ương toàn cầu, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm song song với việc lạm phát giảm từ mức cao và sự cân bằng mới giữa tăng trưởng thấp và lạm phát vừa phải có khả năng xảy ra.

Cần lưu ý rằng môi trường kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ toàn cầu hiện nay đang có những thay đổi mạnh mẽ và rất khó để sự phát triển trong tương lai trở lại mô hình "bình thường" như trước đại dịch, điều này sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng phân mảnh kinh tế toàn cầu.

Tóm lại, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed có nghĩa là Fed đã đưa ra lựa chọn "chính trị hóa" giữa kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Mỹ và kinh tế toàn cầu. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều mâu thuẫn nổi cộm hơn trong tương lai. Do đó, không thể loại trừ việc thay đổi chính phủ ở Mỹ do thất bại của các đợt tăng lãi suất mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục