Mỹ đang thất thế trong trận chiến chống béo phì

2/3 dân số Mỹ thừa cân và mục tiêu mà Bộ Y tế và Dịch vụ con người nước này đặt ra là giảm 15% tỷ lệ béo phì trên cả nước trong năm 2010 đang ngày một xa vời.
HTML Chống béo phì trở thành nhiệm vụ không hề dễ dàng với người Mỹ khi 2/3 dân số nước này thừa cân và mục tiêu mà Bộ Y tế và Dịch vụ con người của Mỹ đặt ra là giảm 15% tỷ lệ béo phì trên cả nước trong năm 2010 đang ngày một xa vời.

Đây là nhận định của Tổ chức Trust for America's Health và Quỹ Robert Wood Johnson đưa ra trong báo cáo hàng năm lần thứ 6 "F as in Fat" ngày 1/7.

Theo báo cáo trên, trong năm 2008, gần một nửa trong tổng số 50 bang của Mỹ có tỷ lệ người béo phì tăng. Khoảng 31 bang có tỷ lệ béo phì lớn hơn 25% và chỉ có duy nhất một bang có tỷ lệ béo phì dưới 20%.

Trong khi đó, có tới 30 bang có hơn 30% số trẻ trong độ tuổi từ 10-17 bị béo phì và không có bang nào có số trẻ bị béo phì dưới 20%.

Bang miền Nam Mississippi tiếp tục là bang có tỷ lệ người béo phì lớn nhất với 44% trẻ em trong độ tuổi từ 10-17 tuổi và khoảng 33% số người lớn mắc bệnh này.

Báo cáo trên còn cho thấy chi phí dành cho người béo phì ở Mỹ cũng chiếm tới hơn 1/4 chi phí chăm sóc sức khỏe, trải qua mỗi thập kỷ chi phí này lại tăng hơn gấp đôi, có thể lên tới 956 tỷ USD/năm vào năm 2030.

Vì vậy, báo cáo khuyến cáo cộng đồng Mỹ cần nhanh chóng tìm ra các biện pháp nâng cao sức khỏe cho người dân để có thể hạn chế số người mắc các bệnh mãn tính do béo phì.

Người được xem là đã mắc bệnh béo phì khi chỉ số cơ thể (BMI), được tính bằng công thức: cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m), lớn hơn hoặc bằng 30.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thói quen tiêu thụ hơn 300 calo mỗi ngày, ít sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng và lười vận động.

Một kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng những công nhân bị béo phì sẽ có số ngày làm việc ít hơn 10 lần so với những người bình thường. Trẻ em mắc béo phì có thể dẫn đến các nguy cơ như đau tim, tiểu đường tuýp 2.../.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục