Mỹ đang thay đổi chiến thuật hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên?

Dường như, thách thức đối với chính quyền Trump là khôi phục chiến dịch “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên gắn với đó là một cơ chế thực thi nó thời kỳ hậu thượng đỉnh Singapore.
Mỹ đang thay đổi chiến thuật hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: ST)

Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận trong xử lý mối đe dọa Triều Tiên, theo hướng chuyển trọng tâm từ đơn phương sang đa phương. Đó là quan điểm của Christopher Hill, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, trong bài viết được đăng tải trên tờ Foreign Affairs.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, động thái này được ca ngợi là nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên thông qua đối thoại.

Tuy nhiên, những diễn biến sau đó cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore hóa ra "lợi bất cập hại."

Ba tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh, hầu như không có bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân theo khung thời gian biểu chấp nhận được.

Thay vào đó, Triều Tiên quay trở lại yêu sách bấy lâu, coi việc Mỹ có bước đi chấm dứt “chính sách thù địch” là điều kiện cần thiết để tiến đến phi hạt nhân hóa.

Khi những lạc quan về các cuộc đàm phán "nguội" đi, những ý tưởng về xử lý mối quan ngại của Triều Tiên "mọc lên như nấm sau mưa."

Nổi lên là một kế hoạch trấn an Bình Nhưỡng về nền tảng chuyển tiếp, bao gồm hoàn tất tuyên bố về “chấm dứt chiến tranh Triều Tiên,” thay thế hiệp định đình chiến bằng hiệp định thúc đẩy hòa bình.

[Thượng đỉnh liên Triều liệu có giúp tái khởi động đối thoại Mỹ-Triều?]

Một ý tưởng khác cũng được nêu ra là bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Những người ủng hộ biện pháp này cho rằng nếu không thể nhanh chóng mở cửa Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng, chí ít Mỹ có lẽ cũng nên thiết lập các văn phòng liên lạc theo hình thức từng được áp dụng trong quan hệ Mỹ-Trung trong những năm hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ.

Triều Tiên từng phủ nhận ý tưởng này năm 2007 và có thể sẽ tiếp tục làm vậy. Tuy nhiên, đây là tất cả những gì cần phải để tâm tới khi hai bên có thể đối thoại với nhau.

Hiện tại, thách thức đối với chính quyền Trump là khôi phục chiến dịch “gây sức ép tối đa” - chiến dịch gắn với các lệnh cấm vận chưa từng có tiền lệ do Liên hợp quốc ban hành, cùng với một cơ chế thực thi nó thời kỳ hậu thượng đỉnh Singapore.

Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng nỗ lực ngoại giao nghiêm túc sẽ là khởi đầu tốt đẹp để bảo đảm rằng tất cả các nước trong khu vực sẵn sàng hợp tác với Washingon để giải quyết mối đe dọa Triều Tiên.

Mỹ đang thay đổi chiến thuật hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: israelnationalnews.com)

Chính quyền Trump thực sự cần một chiến lược đa phương đối với Triều Tiên theo hướng can dự khu vực. Một chính sách đơn phương thảo luận với Triều Tiên theo thời gian thực, sau đó thông báo cho các bên liên quan nội dung đàm phán không phải là một chiến lược như thế.

Nó tất yếu sẽ khiến các bên không hài lòng, có cách hiểu sai lệch và đi kèm đó là xu thế cộng đồng quốc tế đòi Mỹ, Triều Tiên phải đưa ra những lý lẽ giải thích chính đáng.

Trước hết là với Hàn Quốc, nước khởi động tiến trình đàm phán năm 2018, cần phải có mặt tại bàn đàm phán. Hàn Quốc đã bỏ nhiều vốn liếng ngoại giao vào Triều Tiên.

Nhật Bản cũng là một đồng minh thiết yếu của Mỹ và phải thừa nhận rằng Washington đang cư xử với Tokyo dưới góc độ là một đối tác đầy đủ trong vấn đề Triều Tiên.

Phức tạp hơn cả là vai trò của Trung Quốc. Đương nhiên, Bắc Kinh đánh giá cao biện pháp ngoại giao hơn đòn “bão lửa và thịnh nộ."

Tuy nhiên, việc để Mỹ làm người dẫn dắt các cuộc thảo luận với nước láng giềng Triều Tiên - đối tác truyền thống của Bắc Kinh - là điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc khó chấp nhận.

Bắc Kinh không muốn Triều Tiên sở hữu hạt nhân, và cũng không muốn bị Washington gạt ra rìa trong vấn đề Triều Tiên.

Chính quyền Trump nếu muốn Trung Quốc ủng hộ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên thì không nên cứ ra rả nói rằng Trung Quốc có ý chống lại Mỹ, bởi làm như vậy sẽ chỉ kéo lùi lợi ích của Washington.

Thay vào đó, Mỹ và Trung Quốc cần ngồi lại và làm rõ lợi ích của từng bên ở khu vực và cùng nhau hợp tác để định ra chiến lược tốt nhất buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Tạo dựng một mặt trận thống nhất sẽ ngăn chặn khả năng Triều Tiên lợi dụng các sáng kiến, tìm cách khai thác bất kì rạn nứt nào trong quan hệ Mỹ-Trung.

Những thất bại sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore đòi hỏi Mỹ phải thể hiện quyết tâm, bình tĩnh và chú tâm mới để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục