Mỹ đầu tư 100 triệu USD để thúc đẩy lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục đầu tư vào việc xây dựng một lực lượng lao động y tế mạnh mẽ sau khi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giảm tới 524.000 người kể từ tháng 2/2020.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng cúm cho người dân tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 10/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng cúm cho người dân tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 10/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 15/10, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ đầu tư 100 triệu USD để thúc đẩy lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách tài trợ cho các chương trình của nhà nước.

Chương trình nhằm thu hút và giữ chân người lao động trong các cộng đồng không được cung ứng đầy đủ các phương tiện y tế.

Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh (HHS) của Mỹ cho biết khoản 100 triệu USD này, đang được chuyển từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ, sẽ được sử dụng để hỗ trợ Chương trình Hoàn trả khoản vay nhà nước của Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (SLRP), cung cấp các khoản tài trợ cho các bang có chương trình khuyến khích các bác sỹ tới làm việc tại các khu vực thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế.

[Mỹ chi 121 triệu USD thúc đẩy tiêm ở cộng đồng chưa tiếp cận vaccine]

HHS cho biết bộ này sẽ cung cấp tối đa 50 khoản tài trợ lên đến 1 triệu USD mỗi năm trong vòng 4 năm, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là mức tăng gấp 5 lần so với khoản tài trợ trước đó cho SLRP.

HHS cũng nêu rõ người nhận tài trợ sẽ được phép sử dụng tối đa 10% số tiền được trợ cấp để thanh toán cho các chi phí hành chính.

Các chương trình nộp đơn xin trợ cấp liên bang sẽ có thời hạn đến ngày 8/4/2022 và các khoản trợ cấp sẽ được triển khai vào tháng 9/2022.

Bộ trưởng HHS Xavier Becerra cho biết khoản đầu tư này rất quan trọng để đảm bảo giới chức y tế của các bang có thể tiếp tục hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cụ thể của các cộng đồng dân cư.

Ông đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục đầu tư vào việc xây dựng một lực lượng lao động y tế mạnh mẽ.

Quyết định trên công bố trong bối cảnh Cơ quan Thống kê lao động (BLS) của Mỹ lưu ý rằng trong tháng 9/2021, ngành chăm sóc y tế đã mất khoảng 17.500 việc làm.

Các cơ sở y tế và chăm sóc nội trú mất 38.000 việc làm và các bệnh viện cũng mất 8.000 việc làm, mặc dù các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cấp cứu đã tăng 28.000 việc làm.

Báo cáo của BLS nêu rõ: "Nhân sự trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã giảm 524.000 người kể từ tháng 2/2020, trong đó các cơ sở điều dưỡng và chăm sóc nội trú gánh chịu khoảng 75% số nhân sự bị hụt đi này"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục