Mỹ điều chỉnh kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD

Các quan chức Chính phủ và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đang nỗ lực thương lượng nhằm điều chỉnh dự luật cứu trợ thị trường tài chính Mỹ trị giá 700 tỷ USD, với hy vọng thỏa mãn yêu cầu của các nghị sĩ để dự luật nhanh chóng được lưỡng viện thông qua.

Các quan chức Chính phủ và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đang nỗ lực thương lượng nhằm điều chỉnh dự luật cứu trợ thị trường tài chính Mỹ trị giá 700 tỷ USD, với hy vọng thỏa mãn yêu cầu của các nghị sĩ để dự luật nhanh chóng được lưỡng viện thông qua.

Điểm điều chỉnh đầu tiên được thương thảo là nâng trần bảo hiểm của liên bang đối với các khoản tiền tiết kiệm của người dân từ 100.000 USD hiện nay lên 250.000 USD để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng.

Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Sheila Bair, người đề xuất điều chỉnh này, cho rằng biện pháp nâng trần bảo hiểm tiền gửi sẽ giải tỏa một phần tâm lý hoang mang của người dân, giúp ổn định hệ thống ngân hàng.

Đề xuất sửa đổi lớn thứ hai là sửa lại các quy định về kế toán theo hướng buộc các ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng và tiết kiệm phải thường xuyên đánh giá lại giá trị tài sản của họ, trong đó có các cổ phiếu và chứng khoán liên quan tới thế chấp, cho phù hợp với mức giá của thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng giấu giếm thua lỗ khá phổ biến như trong thời gian vừa qua.

Những nghị sỹ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ rất có thể "tránh được" nếu các luật lệ và quy định về kế toán được siết chặt.

Nhóm nghị sỹ theo trường phái tự do trong đảng Dân chủ, những người từng bỏ phiếu bác bỏ dự luật, cũng đã đề xuất điều khoản gia hạn thời gian bảo hiểm thất nghiệp và cấm mọi hành vi của giới đầu tư bán vội cổ phiếu để "ăn xổi lợi nhuận" gây rối loạn thị trường.

Thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch cứu trợ tài chính mới và cho rằng Quốc hội nên thông qua nó. Trong khi đó, một quan chức giấu tên bên đảng Dân chủ cho biết dự luật đã điều chỉnh này chắc chắn sẽ được Thượng viện bỏ phiếu thông qua trong ngày 1/10, trước khi Hạ viện có cuộc bỏ phiếu thứ hai.

Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ vẫn đang liên tục nhận được thư từ cử tri đề nghị không chi khoản tiền khổng lồ đó của liên bang để mua các khoản nợ xấu của các tập đoàn và công ty tư nhân mà nên đầu tư vào các chương trình ưu tiên khác phục vụ cho lợi ích của đông đảo người đóng thuế Mỹ.

Do vẫn hy vọng vào khả năng kế hoạch cứu trợ cuối cùng rồi sẽ được thông qua, ngày 30/9 giới đầu tư chứng khoán Mỹ lại bỏ tiền ra mua lại các cổ phiếu mà họ vội vã bán đi trong ngày 28/9, giúp các loại cổ phiếu chủ lực tăng giá khá mạnh.

Đến cuối ngày, chỉ số Dow Jones tăng 4,7%, tương đương 485,21 điểm, lên 10.850,66 điểm, sau khi bị mất giá gần 7% ngày 28/9. Chỉ số Standard & Poor 500 tăng 5,3% và chỉ số Nasdaq tăng 5%./. (TTXVN)



 

Tin cùng chuyên mục