FED muốn công cụ mới

Mỹ: FED đề xuất thành lập công cụ tài chính mới

FED đề xuất thành lập một cơ chế mới giúp FED hạn chế lượng tiền được bơm vào nền kinh tế Mỹ đồng thời ngăn chặn lạm phát phình to.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 28/12 đã đề xuất thành lập một cơ chế mới giúp FED hạn chế lượng tiền được bơm vào nền kinh tế Mỹ đồng thời ngăn chặn lạm phát phình to.

Cơ chế mới, được gọi là "ký gửi kỳ hạn", sẽ cho phép các ngân hàng được nhận lãi suất đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng trung ương. FED cho biết tỷ lệ đối với các khoản tiền gửi có thể được quyết định tại các phiên đấu giá hoặc thông qua một công thức cụ thể.

FED dự kiến thời hạn của các khoản ký gửi sẽ không vượt quá một năm, mà thường kéo dài từ một đến sáu tháng. Song các ngân hàng cũng không được phép rút sớm số tiền trong các tài khoản đó. Các ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất mà họ muốn được trả và số lượng tiền mà họ muốn ký gửi vào tài khoản với mức lãi suất đó.

Năm 2009, trong khi cả nền kinh tế và hệ thống tài chính của Mỹ vẫn đang trong quá trình phục hồi, FED đã bắt đầu rút lại hoặc thu hẹp phạm vi một số chương trình cho vay khẩn cấp. Những chương trình này được đưa ra trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính khi mà một số thị trường tín dụng gần như đóng cửa.

Các điều kiện cho vay đã được cải thiện nhưng vẫn chưa trở lại mức bình thường. Trong nỗ lực nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ thời Đại Suy thoái, FED đã phải thực hiện một loạt biện pháp cứu trợ khẩn cấp, dẫn tới sự tăng đột biến về tín dụng lên tới gần 2.200 tỷ USD đối với hệ thống ngân hàng.

Những biện pháp của FED cũng đã gây ra tâm lý lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, FED cho rằng thể chế này hoàn toàn có khả năng kịp thời từ bỏ chương trình kích thích tiền tệ.

Giới phân tích cho rằng việc FED đưa ra đề xuất nói trên không có gì là đáng ngạc nhiên. Chủ tịch FED Ben Bernanke và các quan chức khác của FED đã nhiều lần nói rằng việc thiết lập công cụ "ký gửi kỳ hạn" sẽ là một trong số những công cụ mà FED có thể sử dụng để rút tiền từ nền kinh tế vào thời điểm thích hợp.

Kế hoạch trên của FED sẽ được bàn thảo và có thể được sửa đổi trước khi quyết định cuối cùng được thông qua.

Hiện nay, nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng FED sẽ không tăng lãi suất cho vay ngân hàng - mà sẽ ảnh hưởng đến một loạt tỷ lệ lãi suất cho vay tiêu dùng, trước giữa năm tới. Trong cuộc họp hồi đầu tháng 12, FED cũng đã quyết định giữ mức tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục và cam kết tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất này trong một thời gian dài để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.

Cũng trong ngày 28/12, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Barack Obama đã ký thành luật dự luật nâng mức trần nợ quốc gia của Mỹ lên 12.400 tỷ USD. Thượng viện ngày 24/12 đã thông qua mức tăng này, từ mức dự kiến trước đó là 12.100 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục