Mỹ hạn chế cấp thị thực tại các nước từ chối tiếp nhận người hồi hương

Từ ngày 13/9, Mỹ sẽ hạn chế cấp thị thực cho những công dân ở bốn nước gồm Campuchia, Eritrea, Sierra Leone và Guinea do những nước này từ chối tiếp nhận lại những công dân bị Mỹ trục xuất.
Mỹ hạn chế cấp thị thực tại các nước từ chối tiếp nhận người hồi hương ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: africanews.com)

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo từ ngày 13/9 sẽ hạn chế cấp thị thực cho những công dân ở bốn nước gồm Campuchia, Eritrea, Sierra Leone và Guinea do những nước này từ chối tiếp nhận lại những công dân bị Mỹ trục xuất.

Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm siết chặt quản lý những người tị nạn bất hợp pháp tại nước này.

Theo các công điện do Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tới các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài, bốn nước trên “đang từ chối hoặc hoãn một cách vô lý” việc hồi hương các công dân và Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế về thị thực tại một nước nếu nước đó tiếp nhận trở lại những người bị trục xuất. Bộ Ngoại giao Mỹ phân loại các đối tượng bị ngừng cấp thị thực ở mỗi nước khác nhau.

[Mỹ tạm dừng cấp thị thực cho quan chức ngoại giao Campuchia]

Cụ thể, tại Campuchia, chỉ có các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và gia đình họ bị ngừng cấp thị thực du lịch cá nhân. Tại Eritrea, Mỹ sẽ từ chối cấp đa số các thị thực du lịch và công tác cho các công dân. Tại Guinea, Mỹ sẽ ngừng cấp một loạt các thị thực công tác, du lịch và học tập cho các quan chức chính phủ và người thân đi cùng. Tại Sierra Leone, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Freetown từ chối cấp thị thực du lịch và công tác cho các quan chức Bộ Ngoại giao và Cơ quan Xuất nhập cảnh.

Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, Cơ quan Thực thi di cư và hải quan (ICE) đã phải trục xuất khoảng 2.137 người Guinea và 831 người Sierra Leone, trong đó có nhiều người bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng. Ngoài ra, chính quyền Washington đang chỉ thị trục xuất khoảng 700 người Eritrea và 1.900 người Campuchia đang sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục