Mỹ, Hàn hoài nghi về nguy cơ khủng hoảng tài chính hậu Brexit

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew và Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Hàn Quốc Lim Jong-ryong cùng nhận định khả năng Brexit lan truyền thành khủng hoảng hệ thống tài chính thế giới là không lớn.
Mỹ, Hàn hoài nghi về nguy cơ khủng hoảng tài chính hậu Brexit ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. (Nguồn: THX/TTXVN)

Việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, là một "cơn gió ngược" đối với nền kinh tế toàn cầu song dường như sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngày 27/6.

Theo quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ, việc cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn Brexit đã làm khuynh đảo các thị trường tài chính, và đây rõ ràng là một "cơn gió ngược" song "hoàn toàn có thể khống chế được" và hiện "không có dấu hiệu nào cho thấy khủng hoảng tài chính đang phát triển."

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) kéo dài 3 năm qua giữa Washington và Brussels nhằm tạo ra khối đầu tư và thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ vẫn được tiếp tục.

Cùng ngày, phát biểu tại thủ đô Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng các nước thành viên EU cần giữ kiềm chế sau "cú sốc" Brexit.

Theo ông, điều quan trọng là Mỹ và EU cần "tìm ra các biện pháp nhằm duy trì sức mạnh, phục vụ các lợi ích và các giá trị vốn đã đưa hai bên xích lại gần nhau ngay từ hồi đầu tiên."

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Kerry đưa ra một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels, trong đó có sự tham gia của Thủ tướng Anh David Cameron, thảo luận về thời gian và cách thức Anh rời khỏi EU.

Theo Đài KBS, trong cuộc họp diễn ra ngày 27/6 về đối sách ở từng lĩnh vực tài chính sau khi Anh tiến hành trưng cầu ý dân với kết quả nghiêng về phương án rời khỏi EU, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) Lim Jong-ryong nhận định rằng tính chất của vụ việc Brexit lần này không giống với vụ ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.

Do vậy, khả năng Brexit lan truyền thành khủng hoảng hệ thống tài chính thế giới là không lớn.

Theo ông Lim, sẽ mất khá nhiều thời gian để Anh chính thức rời khỏi EU, trong khi một số ý kiến phân tích rằng thời gian đàm phán giữa Anh và EU có thể lên tới trên 5 năm.

Chủ tịch FSC cho rằng vụ sụp đổ ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 hay vụ Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm vào năm 2011 là những cuộc khủng hoảng đã gây tổn hại trực tiếp tới hệ thống tài chính thế giới.

Khi đó, nguồn vốn trong thị trường đã nhanh chóng trở nên thiếu hụt. Tuy nhiên, vụ Brexit lần này lại mang tính chất khác.

Quyết định rời khỏi EU của Anh dự kiến sẽ tác động chậm và có sự khác biệt với từng quốc gia, tùy theo mức độ liên quan về thương mại với Anh và EU.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều biến số khác như có thể xuất hiện thêm các quốc gia châu Âu khác cũng rời khỏi EU hoặc nền kinh tế thực bị sụt giảm quá mức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục