Mỹ: "Hạt nhân Triều Tiên không gây khủng hoảng"

Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên khẳng định chương trình hạt nhân mới của Bình Nhưỡng không dẫn tới "một cuộc khủng hoảng."
Trong một phản ứng đầu tiên về những thông tin liên quan tới một cơ sở làm giàu urani mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth ngày 22/11 khẳng định chương trình hạt nhân mới của Bình Nhưỡng là hành động khiêu khích, gây thất vọng song không dẫn tới "một cuộc khủng hoảng."

Quan chức ngoại giao Mỹ đang ở Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến công du tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc để thương lượng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap dẫn phát biểu của ông Bosworth trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-Hwan tại Seoul khẳng định đây là một động thái mang tính khiêu khích của chính quyền Bình Nhưỡng.

Đặc phái viên Mỹ khẳng định chương trình hạt nhân này đã vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thỏa thuận sáu bên đạt được hồi tháng 9/2005, theo đó Triều Tiên ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân để đổi lấy các khoản viện trợ cũng như những lợi ích về an ninh và ngoại giao.

Liên quan tới tiến trình đàm phán sáu bên, Đặc phái viên Mỹ nêu rõ đây sẽ vẫn là đề tài chính trong các cuộc hội đàm tới của ông với quan chức Nhật Bản và Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Bosworth khẳng định sẽ không có các cuộc thương lượng "chỉ để thương lượng" và Triều Tiên phải thể hiện thái độ sẵn sàng đưa ra các quyết định cứng rắn về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc cho rằng cần thêm các thông tin và phân tích tình báo về chương trình hạt nhân mới này của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố trên của giới chức Mỹ và Hàn Quốc được đưa ra sau khi cuối tuần qua, báo chí Mỹ đưa tin Triều Tiên đã cho một nhà khoa học Mỹ được "mục sở thị" một nhà máy hạt nhân mới rộng lớn với hàng trăm máy ly tâm đã sẵn sàng được lắp đặt và vận hành.

Nhà khoa học Siegfried Hecker cho biết ông thực sự "choáng" khi nhìn thấy hàng trăm máy ly tâm được đặt trong một phòng điều hành hết sức hiện đại. Triều Tiên đã khẳng định khoảng 2.000 máy ly tâm đã được lắp đặt và vận hành trong nhà máy.

Tuy nhiên, ông Hecker cho biết ông không được phép chụp ảnh và cũng không thể xác nhận liệu nhà máy đã vận hành sản xuất urani làm giàu ở mức độ thấp như thông báo của Bình Nhưỡng hay chưa. Địa điểm của cơ sở bí mật này cũng chưa được làm rõ.

Giới chức Washington đã phản ứng khá mạnh với thông tin trên. Phát biểu ngày 21/11 trong một chương trình của Hãng truyền hình ABC, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Michael Mullen cáo buộc Bình Nhưỡng coi thường các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và tìm cách gây bất ổn tình hình trong khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tin rằng Triều Tiên đã thực hiện chương trình hạt nhân từ lâu và đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân. Cơ sở làm giàu urani mới tiết lộ cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng phát triển nhiều vũ khí hạt nhân hơn nữa.

Phát biểu trước báo giới tại Bolivia trước thềm hội nghị các bộ trưởng quốc phòng châu Mỹ, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Triều Tiên đã phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tiếp tục tìm cách xuất khẩu vũ khí.

Theo ông, thông tin về nhà máy hạt nhân mới thực sự là hết sức đáng lo ngại. Nếu lò phản ứng của nhà máy này nhằm phục vụ các mục đích dân sự, Bình Nhưỡng sẽ hoan nghênh sự có mặt của các quan sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong khi đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama coi tuyên bố đã xây dựng một cơ sở làm giàu urani mới của Triều Tiên là "hành động thách thức đầy khiêu khích" và đi ngược lại những lời hứa và cam kết của nước này.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John Kerry, cho rằng thông tin này gây phức tạp tình hình, đồng thời hối thúc Liên hợp quốc cùng Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên) đã bị đình trệ từ khi Triều Tiên rút khỏi đàm phán vào tháng 4/2009 và tiến hành vụ thử hạt nhân một tháng sau đó.

Gần đây Bình Nhưỡng đã tỏ ý sẵn sàng trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Mỹ đòi hỏi Triều Tiên chứng minh quyết tâm giải trừ hạt nhân trước khi nối lại đàm phán, trong khi Hàn Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân và đồng ý để thanh sát viên quốc tế quay trở lại Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục