Mỹ hối thúc Đức giúp khôi phục tăng trưởng ở châu Âu

Ngay sau khi Đức thông báo đạt thặng dư thương mại, Mỹ kêu gọi nước này thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước giúp khôi phục tăng trưởng ở châu Âu.

Ngay sau khi Đức thông báo đạt thặng dư thương mại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew  ngày 8/1 đã kêu gọi "đầu tàu" kinh tế châu Âu thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước giúp khôi phục tăng trưởng ở châu lục này.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà Wolfgang Schaeuble ở thủ đô Berlin của Đức, chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Âu ba ngày của ông Lew, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho rằng các chính sách thúc đẩy đầu tư và nhu cầu trong nước có lợi cho nền kinh tế Đức nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Tuy nhiên, ông thừa nhận điều quan trọng là phải đạt sự cân bằng giữa tăng cầu và đầu tư trong nước với đạt tăng trưởng ngắn hạn trong chừng mực có thể mang lại sức mạnh cho nền kinh tế trong thời gian dài hạn hơn.

Ông Lew cũng thừa nhận các chính sách của đại liên minh cầm quyền hiện nay ở Đức về đầu tư cho cơ sở hạ tầng và áp dụng mức lương tối thiểu trong cả nước là phù hợp với đường hướng thúc đẩy tăng trưởng song song với ổn định tài chính công.

Về phần mình, ông Schaeuble khẳng định thời gian gần đây, tăng trưởng của Đức chỉ bị chi phối bởi nhu cầu trong nước, và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói chung có mức thặng dư rất nhỏ với các khu vực khác trên thế giới.

Ông nhấn mạnh trong khu vực đồng euro, Đức thậm chí không có thặng dư mà chỉ góp phần tạo nên sự cân bằng trong khu vực.

Ông Lew đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh Văn phòng thống kê liên bang Đức vừa thông báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này lên đến 93,2 tỷ euro (127 tỷ USD) trong tháng 11 so với 92,9 tỷ euro tháng trước đó.

Trong khi đó, nhập khẩu giảm 1,1%, từ 76,2 tỷ euro xuống 75,4 tỷ euro trong cùng thời gian này.

Nước Đức từ lâu vẫn là "nỗi hiềm tị" của các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) về hoạt động tài chính chắn chắn và kinh tế hùng mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang phải chịu sức ép ngày càng tăng về thúc đẩy nhu cầu trong nước để hỗ trợ các đối tác EU.

Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ chỉ trích Đức không hành động đủ để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, cho rằng Berlin cần hạn chế thặng dư để thúc đẩy nhu cầu trong nước và Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề nghị Đức kiểm soát thặng dư.

Đáp lại, Berlin khẳng định "không hiểu" vì sao Mỹ chỉ trích Đức phụ thuộc vào xuất khẩu và tốc độ tăng cầu chậm chạp tại thời điểm Khu vực đồng euro cần được kéo ra khỏi thời kỳ giảm phát, đồng thời khẳng định thặng dư phản ánh sức cạnh tranh của các công ty Đức./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục