Mỹ hối thúc quân đội Ai Cập chuyển giao quyền lực

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ quan ngại trước những quyết định dường như nhằm kéo dài quyền lực của quân đội ở Ai Cập.
Ngày 18/6, Chính phủ Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những quyết định của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) mà Washington cho là nhằm trì hoãn chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự tiếp sau cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh: "Mỹ đặc biệt quan ngại trước những quyết định dường như nhằm kéo dài quyền lực của quân đội ở Ai Cập."

Theo người phát ngôn này, Ai Cập đang ở trong thời khắc quan trọng và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ và đặc biệt quan ngại với những quyết định theo đó kéo dài sự cầm quyền của giới quân sự tại nước này.

Washington kêu gọi SCAF "khôi phục niềm tin của người dân và của cộng đồng quốc tế trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ bằng việc tuân thủ những cam kết đưa ra trước đây về một quá trình soạn thảo hiến pháp toàn diện, thời điểm hoạt động của một quốc hội dân cử dân chủ, cũng như chuyển giao quyền lực lâu dài cho một chính phủ dân sự."

Trong khi đó, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc George Little cũng tuyên bố Mỹ đã và sẽ tiếp tục hối thúc SCAF tôn trọng các quyền phổ cập của người dân Ai Cập.

Những bình luận trên của Mỹ được đưa ra khi cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập vừa kết thúc mà phần thắng được cho là đã thuộc về ông Mohamed Morsy, ứng cử viên thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo, người đã đánh bại đối thủ Ahmed Shafiq - cựu thủ tướng dưới thời Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak.

SCAF, nắm quyền từ tháng 2/2011 sau khi ông Mubarak bị lật đổ, ngày 18/6 đã tái khẳng định cam kết chuyển giao quyền lực cho tổng thống vừa đắc cử trước ngày 30/6.

Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập dẫn lời Thiếu tướng Mohamed El Assar, một thành viên SCAF, cho biết "quân đội sẽ chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử trong một buổi lễ lớn vào cuối tháng này để toàn thế giới được chứng kiến." Tuy nhiên, ông En Asa không đề cập tên của tân tổng thống.

Luôn khẳng định sẽ chuyển giao quyền lực trước ngày 30/6, song ngày 17/6, SCAF lại ban hành sắc lệnh sửa đổi Tuyên bố Hiến pháp, theo đó trao cho SCAF nhiều quyền lực hơn, trong đó có cả quyền kiểm soát sửa đổi Hiến pháp, giám sát ngân sách hoặc tuyên bố chiến tranh. Đây là động thái khiến Mỹ cho rằng SCAF đang cố kéo dài quyền lực.

Trong một diễn biến khác liên quan, MENA đưa tin thẩm phán nổi tiếng Hossam al-Ghariani của Ai Cập ngày 18/6 đã được bầu làm chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm soạn thảo Hiến pháp mới.

Theo MENA, ông al-Ghariani đã được hội đồng lập hiến gồm 100 ủy viên nói trên bầu trong phiên họp đầu tiên. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Hội đồng lập hiến này có thể thực thi trọng trách của mình hay không sau khi SCAF ban hành văn kiện hiến pháp sửa đổi. Sau cuộc họp đầu tiên ngày 18/6, hội đồng này nhất trí sẽ họp lại vào ngày 23/6.

Về mặt chính thức, tiến trình soạn thảo hiến pháp không bị ảnh hưởng bởi việc giải tán quốc hội. Nhưng theo sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp thì SCAF có quyền lập một cơ quan soạn thảo hiến pháp mới nếu hội đồng lập hiến hiện nay "gặp trở ngại trong việc hoàn thành vai trò."

Giáo sư chính trị học Gamal Abdel Gawad tại trường đại học Mỹ ở thủ đô Cairo cho rằng "quan đội sẽ cố tận dụng ngay cơ hội đầu tiên để loại bỏ hội đồng hiện nay, lập một hội đồng lập hiến mới."

Theo giới phân tích, quân đội Ai Cập dường như đang tìm cách bảo đảm một vị thế đặc biệt trong hiến pháp mới nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế cũng như thanh thế vốn vẫn được duy trì kể từ cuộc cách mạng chống lại chế độ quân chủ năm 1952./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục