Mỹ: Kế hoạch kinh tế của hai ứng cử viên đều tăng thâm hụt ngân sách

Tờ Thời báo New York ngày 29/10 dẫn lời các nhà phân tích cho biết các chương trình thuế và chi tiêu mà hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đưa ra đều làm cho thâm hụt ngân sách liên bang tồi tệ hơn, trong đó mức thâm hụt mà các kế hoạch kinh tế của Thượng nghị sỹ John McCain tạo ra sẽ lớn hơn của Thượng nghị sỹ Barack Obama.

Tờ Thời báo New York ngày 29/10 dẫn lời các nhà phân tích cho biết các chương trình thuế và chi tiêu mà hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đưa ra đều làm cho thâm hụt ngân sách liên bang tồi tệ hơn, trong đó mức thâm hụt mà các kế hoạch kinh tế của Thượng nghị sỹ John McCain tạo ra sẽ lớn hơn của Thượng nghị sỹ Barack Obama.

Bài báo cho biết ứng cử viên của đảng Cộng hòa McCain đã đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế mạnh mẽ hơn. Ông cũng hứa cắt giảm chi tiêu, nhưng không nói rõ sẽ cắt giảm chương trình chi tiêu nào.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, cả hai ứng cử viên cùng kêu gọi chi thêm hàng tỷ USD cho chương trình kích thích kinh tế. Dù vậy, ông McCain vẫn hứa cân bằng ngân sách liên bang vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình, một mục tiêu mà các nhà phân tích cho là không thể thực hiện được. Trung tâm chính sách thuế cho rằng các chương trình cắt giảm thuế của ông McCain sẽ làm cho thu nhập của liên bang giảm khoảng 1.500 tỷ USD và chương trình thuế 10 năm của ông sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách liên bang tới 4.200 tỷ USD.

Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Dân chủ Obama tỏ ra thực tế hơn. Ông cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách và đưa ngân sách liên bang tiến tới cân bằng. Ông kiến nghị mở rộng chương trình bảo hiểm y tế, tăng chi tiêu cho một số chương trình phúc lợi xã hội và cắt giảm thuế cho hầu hết các gia đình Mỹ và các doanh nghiệp nhỏ. Ông tuyên bố sẽ tăng thuế đánh vào các gia đình giàu có để lấy tiền chi cho các chương trình bảo hiểm y tế. Theo tính toán của TPC, thu nhập ngân sách liên bang trong nhiệm kỳ của ông Obama sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ USD và trong thời hạn 10 năm tới sẽ giảm khoảng 2.900 tỷ USD.

Chi phí hàng năm trong ngân sách liên bang của cả hai ứng cử viên đều vượt 20% GDP. Thu ngân sách liên bang sẽ vào khoảng 18,3% GDP theo các kế hoạch kinh tế của ông Obama và 17,6% theo các chương trình của ông McCain.

Hầu hết các nhà phân tích đều thừa nhận tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ không thể cân bằng được ngân sách trong nhiệm kỳ đầu, vì Chính phủ Mỹ sẽ phải chi thêm tiền cho các chương trình kích thích kinh tế và viện trợ, trong khi thu nhập từ thuế sẽ bị giảm xuống. Tổng thống sắp tới sẽ phải đón nhận thách thức kinh tế lớn hơn bất cứ tổng thống nào, kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt cách đây 3/4 thế kỷ, do "cơn bão tài chính" xảy ra đúng vào lúc Mỹ đang bị thâm hụt ngân sách nặng nề (ước tính đã lên tới 455 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP) do chiến tranh, vay nợ nước ngoài nhiều và chi phí bảo hiểm y tế tăng.

Trong khi đó, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vẫn diễn ra sát nút và hết sức căng thẳng. Kết quả thăm dò dư luận do Reuters/C-SPAN/Zogby phối hợp tiến hành và công bố ngày 29/10 cho thấy trong ngày 28/10 hai ứng cử viên vẫn bám đuổi nhau sít sao, trong đó ông Obama giành thêm 0,1 điểm và ông McCain để mất 0,2 điểm so với ngày hôm trước. Tuy nhiên có tới 6,5% số cử tri được hỏi ý kiến cho biết họ vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên nào.

Mạng tin Politico chuyên về các vấn đề chính trị Mỹ ngày 29/10 cho biết ông Obama đang dẫn trước trong số cử tri đi bỏ phiếu sớm ở 8 bang quan trọng, trong đó ứng cử viên đảng Dân chủ dẫn điểm ở khoảng cách an toàn trước đối thủ đảng Cộng hòa tại 4 bang chủ chốt gồm Ohio, Nevada, Colorado và Virginia, những nơi mà đương kim Tổng thống Georges W. Bush đã chiến thắng trong cuộc bầu cử 2004.

Ngoài ra, ông Obama đang cạnh tranh sát nút tại hai bang khác vốn ủng hộ đảng Cộng hoà, đó là New Hampshire và Pennsylvania và cũng đang giành thế ngang ngửa với ông McCain tại hai bang Bắc Carolina và Florida mà ông Bush đã thắng trong cuộc bầu cử 2004.

Kết quả các cuộc điều tra độc lập cho thấy ông McCain có thể thua tại hai bang vốn có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hoà là New Mexico và Iowa. Tỷ lệ ủng hộ ông McCain cũng đang xuống thấp tại bang Montana, vốn là lãnh địa của đảng Cộng hoà, tới mức có thể trở thành bang cạnh tranh sát nút giữa hai ứng cử viên.

Kết quả phỏng vấn ngẫu nhiên 8 cử tri Mỹ do phóng viên TTXVN thường trú tại Washington tiến hành trong ngày 29/10 cho thấy 6 người ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ và hy vọng ông Obama sẽ đắc cử. Hai người ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa và họ cũng rất tin tưởng về khả năng ông McCain sẽ thắng ông Obama.

Mặc dù kết quả điều tra và giới phân tích đều đánh giá cơ hội chiến thắng của ông Obama hầu như đã trong tầm tay, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn tích cực vận động để kiếm thêm lá phiếu ở các bang chủ chốt, nhất là của những cử tri vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Với khoảng 6% số cử tri Mỹ vẫn "do dự", ông McCain vẫn nuôi hy vọng "đảo ngược tình thế", giành chiến thắng vào phút chót.

Phát biểu trên đài phát thanh hàng tuần của đảng Dân chủ, bà Michelle Obama, vợ ứng cử viên Obama, cho biết ban vận động tranh cử của đảng Dân chủ đã "đến tận các gia đình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, cùng họ đi bỏ phiếu". Trong khi đó, "phó tướng" của ông McCain, bà Sarah Palin cho biết phe Cộng hòa "đang nỗ lực tột bậc để giành chiến thắng" và huy động mọi phương tiện như "thư điện tử, điện thoại, quảng cáo và liên hệ tiếp xúc" trong những ngày cuối cùng này.

Thăm dò dư luận mới nhất cho thấy một số cử tri "do dự" có xu hướng nghiêng về ứng cử viên đảng Cộng hòa khi ngày bầu cử đang đến gần. Những người quyết định vào phút chót có thể làm thay đổi kết quả bầu cử tại phần lớn những bang "chưa ngã ngũ" như Bắc Carolina và Florida hay Indiana. Nếu chênh lệch điểm số giữa hai ứng cử viên không nhiều thì số "cử tri do dự" sẽ có ý nghĩa quyết định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục