Mỹ kêu gọi hợp tác khai thác tài nguyên ở Bắc cực

Ngoại trưởng Hillary Clinton kêu gọi chính phủ Na Uy nên đi đến một thỏa thuận chung đối với Bắc cực về khai thác tài nguyên.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Na Uy, ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến đi tới thành phố Tromso ở miền Bắc nước này.

Đây là chuyến đi thứ hai của bà trong vòng một năm qua đến Vòng cung Bắc cực, khu vực có thể trở thành chiến trường quốc tế về tài nguyên.

Chuyến đi của Ngoại trưởng Clinton mang theo thông điệp hợp tác tại một trong những biên giới cuối cùng của tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng chất chưa được khai thác trên thế giới, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực do lượng băng tan chảy đang mở ra một một tuyến đường biển mới cũng như các cơ hội ngư trường và thăm dò dầu khí mới.

Trước đó, phát biểu tại thủ đô Oslo của Na Uy, bà Clinton nói: "Xuất phát từ quan điểm chiến lược, Bắc cực có tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng do các nước đang giành giật với nhau để bảo vệ quyền lợi và gia tăng ảnh hưởng của mình."

Bà cho rằng các chính phủ nên đi đến một thỏa thuận chung đối với Bắc cực để những phát triển mới tại đây bền vững về kinh tế và có trách nhiệm về mặt môi trường đối với các thế hệ tương lai.

Sự ấm lên của Bắc cực đang diễn ra với tốc độ cao ít nhất là gấp đôi so với bất cứ nơi nào trên thế giới, đe dọa làm tăng mực nước biển lên 5 feet (xấp xỉ 150cm) trong thế kỷ này và có khả năng làm tăng lượng thủy ngân phát ra tới 25%.

Những thay đổi này có thể đe dọa loài gấu Bắc cực, cá voi, hải cẩu và các cộng đồng thổ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt động vật làm thực phẩm, chưa kể các đảo và các khu vực thấp nằm rải rác từ bang Florida, Mỹ cho tới Bangladesh.

Nhưng sự biến đổi khí hậu nhanh chóng này cũng tạo ra những thay đổi nhiều mặt từ vận tải cho đến du lịch tại khu vực do lượng băng tan chảy mùa Hè hiện lên tới hơn 17.000 dặm vuông mỗi năm.

Các nước châu Âu tính toán những tuyến đường biển mới tới Trung Quốc, ít nhất trong thời gian mùa Hè, nhanh hơn 40% so với đi qua Ấn Độ Dương, Kênh đào Suez hay Biển Địa Trung Hải.

Tuyến đường Tây Bắc giữa Greenland và Canada có thể giúp các tàu hàng tăng tốc đáng kể khi đi lại giữa trung tâm cảng Rotterdam của Hà Lan và các cảng ở California, Mỹ.

Tám nước thuộc Hội đồng Bắc cực, được thành lập tại thành phố Tromso, đang hy vọng sẽ quản lý tốt các cơ hội mới một cách có trách nhiệm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục