Mỹ khẳng định theo đuổi thỏa thuận hạt nhân qua đàm phán

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ theo đuổi một thỏa thuận thông qua đàm phán, chứ không phải hành động quân sự, nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một tuyên bố nhiều khả năng có thể tiếp tục làm “mất lòng” đồng minh Israel, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/6 tuyên bố Washington sẽ theo đuổi một thỏa thuận thông qua đàm phán, chứ không phải hành động quân sự, nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông Obama cho hay dựa trên các yếu tố thực thể, các chứng cứ và phân tích tình hình, Nhà Trắng kết luận cách tốt nhất để ngăn Tehran tiến tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân đó là các bên đạt được một thỏa thuận chặt chẽ và có thể kiểm chứng.

Trong bài trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Israel Channel 2, Tổng thống Obama nêu rõ: “Giải pháp quân sự sẽ không giải quyết được vấn đề. Ngay cả khi Mỹ tham chiến, hành động đó cũng sẽ chỉ tạm thời làm chậm chương trình hạt nhân của Iran chứ không thể loại bỏ được chương trình này.”

Khi được hỏi Nhà Trắng sẽ phản ứng như thế nào nếu Israel phát động hành động quân sự nhằm vào Iran mà không thông báo với Washington, Tổng thống Obama cho hay ông không nghĩ tới kịch bản đó.

Israel cáo buộc thỏa thuận mà Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đang theo đuổi với Tehran là một thỏa thuận tồi, đe dọa sự tồn vong của Nhà nước Do Thái, đồng thời cho rằng giải pháp quân sự vẫn là một phương án nhằm ngăn chặn Tehran sở hữu bom hạt nhân.

Cùng ngày, nhật báo Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo này, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã bày tỏ lo ngại về thỏa thuận hạt nhân với Iran vì nó có thể trở nên "vô ích" nếu như Tehran tiếp tục ngăn cản việc tiếp cận các cơ sở quân sự, ngoài ra, một thỏa thuận hạt nhân với Tehran cũng có nguy cơ châm ngòi cho cuộc chạy đua hạt nhân tại Trung Đông.

Tuyên bố này của ông Laurent Fabius cho thấy lập trường của Pháp là việc được phép thanh sát các cơ sở quân sự phải là một phần trong thỏa thuận với Iran. Trong khi đó, phía Iran nhấn mạnh nước này không chấp nhận cho các thanh sát viên quốc tế tới các cơ sở quân sự.

Theo báo trên, ông Laurent Fabius đã nổi lên là một trong những nhân vật hoài nghi nhất trong số các đại diện của P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) tham gia đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran, và có quan điểm cứng rắn hơn nhiều so với các quan chức ở Washington.

Những bình luận của ông Laurent Fabius cho thấy các nhà đàm phán vẫn còn những khác biệt lớn cần khoả lấp trước khi có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước thời hạn chót cuối tháng Sáu này.

Phát biểu tại Diễn đàn Thế giới Mỹ-Hồi giáo ở thủ đô Doha (Qatar), Cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Mỹ, Tiến sỹ Colin H. Kahl nhận định một thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực quân sự của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tuy nhiên, việc thanh sát các cơ sở quân sự lại là một vấn đề nhạy cảm khiến đàm phán gặp trở ngại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục