Mỹ lo ngại về thủ tục tiến hành điều tra bán phá giá

Mỹ và một số nước đã bày tỏ lo ngại về những thủ tục điều tra bán phá giá đang được tiến hành ở một số nước thành viên WTO.
Mỹ và 9 thành viên khác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đã bày tỏ những lo ngại về những thủ tục điều tra bán phá giá đang được tiến hành ở một số nước thành viên WTO.

Trong tuyên bố chung gửi cho các nước thành viên WTO, nhóm những nước này cho rằng một số vụ điều tra bán phá giá đã có những khiếm khuyết nghiêm trọng và các vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến quá trình điều tra, tính minh bạch và thủ tục. Một số nước thành viên đã và đang tiến hành điều tra bán phá giá mà không xem xét đến các yên cầu cơ bản và thiết yếu nhất định.

Theo Ban thư ký WTO, trong năm 2011 có 11 vụ điều tra bán phá giá của các nước thành viên thông báo lên WTO. Riêng 4 tháng đầu năm nay, có 4 vụ điều tra mới được thông báo lên WTO, trong đó Indonesia khởi xướng 2 vụ.

Trong cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Bán phá giá WTO vào tháng 4/2012, các nước thành viên WTO đã xem xét, đánh giá các khía cạnh của bán phá giá bao gồm việc tiến hành điều tra, các biện pháp sơ bộ và những biện pháp cuối cùng. Mỹ và EU tỏ ra quan ngại về việc điều tra bán phá giá do Ấn Độ khởi xướng, trong khi EU, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ phê phán Ukraine không thông báo lên WTO về hành động áp dụng biện pháp phòng vệ đối với xe máy nhập khẩu.

Tại cuộc họp này, việc điều tra bán phá giá về mặt hàng rượu của Brazil, việc điều tra và áp dụng các biện pháp đối với hàng sợi bông của Ai Cập, việc điều tra bán phá giá của Israel ... đã bị phê phán.

Theo kế hoạch, Ủy ban Bán phá giá của WTO sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 22/10 tới.

Bán phá giá xảy ra khi một công ty xuất khẩu một hàng hoá sang nước khác với giá thấp hơn giá bán thông thường trên thị trường nội địa, nghĩa là được xác định bằng cách so sánh "giá xuất khẩu" với "giá thông thường" trong điều kiện thương mại bình thường.

Nếu hành động bán phá giá này gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất của nước nhập khẩu thì cơ quan chức năng của nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc dùng biện pháp tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước nhằm bù đắp những thiệt hại do hành vi bán phá giá gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình xác định liệu một nhà xuất khẩu có bán phá giá đến mức gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước tại thị trường nhập khẩu hay không phức tạp hơn nhiều so với việc so sánh giá một cách đơn giản./.

Tố Uyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục