Mỹ mất cơ hội để Ấn Độ trở thành đồng minh thân cận

Trong khi hợp tác vẫn sẽ tiếp diễn vì các mối quan tâm chung về an ninh, các chuyên gia nói rạn nứt mới đã làm mất cơ hội biến Ấn Độ thành một đồng minh thân cận của Mỹ như Anh và Nhật Bản.
Mỹ mất cơ hội để Ấn Độ trở thành đồng minh thân cận ảnh 1Biểu tình trước đại sứ quán Mỹ ở Ấn Độ (Nguồn: AFP)

Ấn Độ đã bày tỏ bất bình sau khi Mỹ mới đây bắt giữ một nhà ngoại giao của họ, động thái được cho là sẽ ảnh hưởng tới quan hệ vốn nồng ấm giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Trong khi hợp tác vẫn sẽ tiếp diễn vì các mối quan tâm chung về an ninh, các chuyên gia nói rạn nứt mới đã làm mất cơ hội biến Ấn Độ thành một đồng minh thân cận của Mỹ như Anh và Nhật Bản.

Kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1947, Ấn Độ rất cẩn trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và không mặn mà trong quan hệ với Mỹ cho tới cuối Chiến tranh Lạnh. Nhưng kể từ đó, hai nước đã phát triển một mối quan hệ đồng minh sâu rộng với tư cách là hai nền dân chủ lớn trong mối quan ngại về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sự nổi lên của Trung Quốc.

Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry trong một cuộc điện đàm ngày 18/12 với Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon đã bày tỏ lấy làm tiếc về cách đối xử với Devyani Khobragade, bị bắt giữ tuần trước với các cáo buộc đã trả lương dưới mức tối thiểu cho một người giúp việc nhà và nói dối về tiền lương của bà trong một đơn xin thị thực.

Phó lãnh sự 39 tuổi tại New York nói bà đã bị còng tay nhiều lần, bị lột quần áo khám xét và bị bắt giữ, sự cố làm dấy lên những phản ứng giận dữ từ Ấn Độ. Để đáp trả, Ấn Độ đã có hành động với các quan chức lãnh sự Mỹ và dỡ bỏ các rào cản bê-tông được dựng lên bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại New Delhi.

“Tôi cho rằng sự cố này có ý nghĩa sâu sắc hơn khi nó cho thấy thái độ chưa rõ ràng của Ấn Độ trong mối quan hệ đối tác với Mỹ,” Robert Hathaway, giám đốc chương trình châu Á của Trung tâm quốc tế cho các học giả Woodrow Wilson, Mỹ, bình luận. Ông Hathaway nói vụ bắt giữ làm tổn thương lòng tự trọng quốc gia của Ấn Độ, vốn là một cương quốc đang lên.

Sự cố xảy ra khi các doanh nghiệp Mỹ, trước giờ là lực lượng chính hối thúc chính quyền cải thiện quan hệ với Ấn Độ, đang than phiền về môi trường đầu tư ở quốc gia hơn một tỷ dân.

Một trợ lý ở quốc hội Mỹ cũng nói các nghị sĩ lo lắng về quyết định dỡ bỏ những rào cản bê-tông bên ngoài đại sứ quán nước này tại New Delhi, nhất là trong bối cảnh vụ tấn công năm 2012 vào phái bộ Mỹ ở Benghazi, Libya vẫn còn là đề tài nóng. 

“Hành động đó, nhất là trong bối cảnh hậu Benghazi, cho thấy Ấn Độ đang quá trớn. Về phía Mỹ, Ấn Độ đã mất đi một chút sự thông cảm,” viên trợ lý giấu tên nói.

Tranh cãi nổ ra khi Ấn Độ đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng Năm. Cả hai đảng lớn tham gia tranh cử đều muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, nhưng các chuyên gia nói Thủ tướng Manmohan Singh có động cơ chính trị trong việc bày tỏ lập trường cứng rắn với Washington do phe đối lập nói ông là người yếu đuối.

Mỹ mất cơ hội để Ấn Độ trở thành đồng minh thân cận ảnh 2Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Thủ tướng Ấn Độ Manhoman Singh tại Nhà Trắng hôm 27/9/2013 (Nguồn: AFP)

Ứng cử viên dân tộc chủ nghĩa theo đạo Hindu cho ghế thủ tướng, Thủ hiến bang Gujarat Narendra Modi, cũng có động cơ giữ lập trường cứng rắn với Mỹ do ông từng bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ vì các vấn đề nhân quyền sau những cuộc bạo động chống người Hồi giáo ở bang của ông năm 2002.

Lisa Curtis, nghiên cứu viên cấp cao tại Quỹ Heritage, một tổ chức có lập trường bảo thủ, nói cuộc bầu cử có liên quan tới phản ứng của Ấn Độ, nhưng quan trọng hơn, vụ bắt giữ đã làm giảm sút lòng tin chiến lược.

“Tôi không cho rằng đây chỉ là sự cố một lần và mọi việc sẽ được giải quyết êm xuôi,” Curtis nói. “Tôi nghĩ đã có tổn thương và sự cố này sẽ không biến mất chỉ sau một đêm”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục