Mỹ, Nga, Trung Quốc tăng cạnh tranh ở thị trường vũ khí

Nga và Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực để lôi kéo khách hàng mua vũ khí tại vùng Vịnh Persian, gia tăng tiếp cận thị trường lâu nay vốn do Mỹ và châu Âu thống trị.
Mỹ, Nga, Trung Quốc tăng cạnh tranh ở thị trường vũ khí ảnh 1Máy bay chiến đấu F-35 của tập đoàn Lockheed Martin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Wall Street Journal, Nga và Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực để lôi kéo khách hàng mua vũ khí tại vùng Vịnh Persian, gia tăng tiếp cận thị trường lâu nay vốn do Mỹ và châu Âu thống trị.

Điều này gây ra các quan ngại đối với Washington.

Thị trường vũ khí vùng Vịnh Persian rất quan trọng đối với nền công nghiệp quốc phòng toàn cầu, với các thỏa thuận mua bán của Saudi Arabia lên tới 7,7 tỷ USD trong năm 2018, trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất Trung Đông, tiếp theo là Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar cũng nằm trong 10 quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới, theo số liệu của Công ty nghiên cứu IHS Markit.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các thỏa thuận vũ khí toàn cầu, Saudi Arabia và UAE mỗi nước đã chi 40 triệu USD để mua vũ khí của Trung Quốc trong năm 2018.

Con số này tương đối nhỏ nhưng lại đánh dấu một bước nhảy vọt so với những năm trước đây. UAE cũng có kế hoạch phát triển vũ khí với một công ty của Trung Quốc.

Nga cũng đã bán các hệ thống tên lửa cho UAE và súng trường quân sự cho Saudi Arabia, đổi lại là quyền được sản xuất vũ khí tại quốc gia lớn nhất vùng Vịnh này. Cả Saudi Arabia lẫn UAE đều đã mua máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga sẵn sàng bán vũ khí và trang thiết bị như máy bay không người lái tới một số nước tại Trung Đông khi một số nước khác đang do dự bán vũ khí cho các nước Trung Đông vì lo sợ vũ khí sẽ bị chuyển tới tay các đối tượng khủng bố.

Cạnh tranh xuất khẩu vũ khí vào thị trường Trung Đông phản ánh sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các đối thủ cạnh tranh chiến lược là Trung Quốc và Nga đối với thương mại, an ninh và các vấn đề khác tại một khu vực mà Mỹ lâu nay coi là khu vực ảnh hưởng của nước này.

[Saudi Arabia là bạn hàng lớn nhất của Mỹ về lĩnh vực khí tài quân sự]

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ quan ngại về các mối đe dọa tới các thương vụ bán vũ khí của Mỹ mà còn lo sợ Trung Quốc và Nga đang cố gắng thu thập bí mật công nghệ của các trang thiết bị quân sự hiện đại và các công nghệ thương mại khi hợp tác với các đồng minh của Mỹ.

Các quan chức này cho rằng những thay đổi hiện nay đang làm phức tạp các hợp đồng trong tương lai với các đồng minh vùng Vịnh Persian của Mỹ vì các phần cứng (mua từ Trung Quốc/Nga) có thể không tương thích với các hệ thống của phương Tây.

Nga và Trung Quốc đã triển khai được các cơ sở cả quân sự lẫn thương mại tại khu vực vùng Vịnh Persian.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thành lập một căn cứ quân sự tại Djibouti, quốc gia tại Đông Phi, xuyên qua Vịnh Aden từ Yemen, gần một cơ sở quân sự của Mỹ được sử dụng cho các hoạt động quân sự nhạy cảm, bao gồm sử dụng máy bay không người lái và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.

Bắc Kinh cũng đã gây áp lực thông qua các mối quan hệ kinh tế ngày càng gần gũi, tổ chức tiếp đón Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hồi tháng 2/2019, công bố một loạt thỏa thuận giữa hai nước trong các lĩnh vực năng lượng, đầu tư và chống khủng bố.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm UAE, ký kết 13 thỏa thuận.

Alessandro Profumo - Giám đốc Công ty Leonardo SpA sản xuất trang thiết bị quốc phòng và không gian của Italy - đánh giá: "Trong lĩnh vực công nghệ, các sản phẩm của Trung Quốc thực sự tốt và nước này có sức mạnh về tài chính" hơn nhiều đối thủ.

Công ty này đã bán các máy bay tiêm kích và trực thăng quân sự tại Trung Đông. Sức mạnh về tài chính và công nghệ cho phép Trung Quốc đưa ra các điều kiện về chi trả linh động cho khách hàng, giúp nước này đạt được các hợp đồng với các nước chưa phải là giàu có nhất khu vực này.

Nga, quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, cũng đã thúc đẩy ảnh hưởng tại Trung Đông sau khi can dự quân sự vào Syria từ năm 2015 để duy trì quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad.

Các công ty dầu mỏ của Nga như PAO Rosneft đã giành được các hợp đồng từ Iraq đến Libya, trong khi các công ty có liên hệ với Điện Kremlin đã thúc đẩy các hoạt động tái thiết Syria.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giành được một số hợp đồng bán vũ khí cho các đồng minh vùng Vịnh Persian, đặc biệt là Saudi Arabia, một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trump đã phản đối lời kêu gọi của các thượng nghị sỹ Mỹ về hạn chế việc chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia sau vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, vụ việc mà Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng có khả năng do Thái tử Mohammed bin Salman ra lệnh. Một cáo buộc đã bị phía Saudi Arabia phủ nhận.

Các công ty Mỹ bao gồm Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman vẫn chiếm khoảng một nửa trong tổng số xuất khẩu quốc phòng tới Trung Đông, đã bán vũ khí trị giá hơn 3 tỷ USD cho Saudi Arabia, 799 triệu USD cho UAE trong năm 2018.

Saudi Arabia chiếm gần 15% tổng số hợp đồng vũ khí của BAE Systems, tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của EU.

Giới chức Mỹ cho rằng công nghệ Mỹ sẽ giúp các nhà thầu giành được thế thượng phong tại khu vực. Giới chức Mỹ cũng đã cảnh báo các đồng minh Trung Đông không được quá thân thiết với các đối tác của Trung Quốc và Nga, cho rằng quá thân thiết có thể đe dọa đến hợp tác quân sự với Mỹ.

Dù áp lực lớn từ Mỹ nhưng các kết quả là khác nhau. Washington đã thất bại trong việc thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Công ty Rostec sản xuất S-400 cho biết hệ thống này có thể bắn hạ máy bay ở khoảng cách xa. Saudi Arabia cũng đã tổ chức đàm phán với Nga về việc mua hệ thống tên lửa này.

Sergey Chemezov - Giám đốc Công ty Rostec - gần đây cho các phóng viên biết ông sẽ không đề cập về tình trạng của các cuộc đàm phán bởi vì sức ép từ Washington đối với các khách hàng triển vọng mua vũ khí Nga.

Các đại diện từ Saudi Arabia cũng không hồi âm các câu hỏi của phóng viên. Ông Chemezov cho biết Công ty Rostec đang đàm phán với UAE về hệ thống phòng không đặt trên tàu chiến của công ty này.

Tập đoàn công nghiệp phương Bắc của Trung Quốc, còn được gọi là Norinco, hồi tháng 2 vừa qua cũng đã thông báo các kế hoạch hợp tác với công ty quốc phòng quốc tế Golden Group PJSC của UAE về thành lập một trung tâm nghiên cứu chung.

Tuy nhiên, các bên liên quan đã không tiết lộ mức đóng góp tài chính của mỗi bên.

Theo thỏa thuận, hai đối tác sẽ mở một cơ sở tại Abu Dhabi do các kỹ sư Trung Quốc và UAE điều hành. Chương trình sẽ phát triển vũ khí và huấn luyện với sự giúp đỡ của các trường Đại học Trung Quốc và UAE cũng như hợp tác với các lực lượng vũ trang của UAE.

Một quan chức UAE cho biết dự án đầu tiên của Trung tâm nghiên cứu này là tập trung vào máy bay không người lái được sử dụng cho cả mục đích trinh sát lẫn tấn công.

Các chế tài hạn chế của Mỹ đối với các công ty nước này có thể giúp Nga và Trung Quốc. Mỹ thường hạn chế bán các máy bay tấn công tiên tiến nhất như F-35 cho đồng minh Trung Đông để giúp Israel giữ được lợi thế dẫn đầu về công nghệ.

Tom Waldwyn - chuyên gia nghiên cứu làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS), có trụ sở tại London - cho rằng nếu Mỹ và châu Âu không bán các trang thiết bị hiện đại nhất thì "có nghĩa là Saudi Arabia phải lựa chọn các phương án thay thế có chất lượng kém hơn một chút từ Nga và Trung Quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục