Mỹ nhắm tới mục tiêu gì khi triển khai tên lửa ở châu Âu?

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết 4 tàu chiến Aegis, hoạt động ở vùng biển châu Âu, là để bảo vệ lục địa già khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng bằng tên lửa đạn đạo.
Mỹ nhắm tới mục tiêu gì khi triển khai tên lửa ở châu Âu? ảnh 1Hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore của Mỹ tại một căn cứ quân sự ở Deveselu, Romania, ngày 12/5/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Mondialisation.ca, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây thông báo rằng căn cứ tên lửa Deveselu ở Romania, một phần của hệ thống chiến đấu toàn diện Aegis của Mỹ, đã hoàn thành việc nâng cấp hồi tuần trước.

Việc làm này của NATO là nhằm đảm bảo rằng hệ thống Aegis không có khả năng tấn công, mà chỉ mang tính phòng thủ, tập trung đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Theo mô tả chính thức, căn cứ Deveselu được trang bị 24 tên lửa, được lắp đặt trong các bệ phóng dưới lòng đất, với mục đích đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn đe dọa Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, căn cứ Redzikowo ở Ba Lan sẽ được đưa vào vận hành năm 2020 và cũng sẽ được trang bị hệ thống này.

Ngoài ra, các bệ phóng cùng loại cũng đã được bố trí trên 4 tàu Hải quân Mỹ và được triển khai tại căn cứ Rota ở Tây Ban Nha, vươn tới Địa Trung Hải, Biển Đen và Biển Baltic.

Việc triển khai các bệ phóng cho thấy hệ thống này không nhằm chống lại "mối đe dọa Iran" (như Mỹ và NATO tuyên bố), mà chủ yếu là nhằm vào Nga.

Cái gọi là "lá chắn" không phải là "phòng thủ thuần túy" được giải thích bởi chính cỗ máy công nghiệp chiến tranh đã tạo ra nó, tập đoàn Lockheed Martin.

Nhà sản xuất vũ khí này cho biết hệ thống lá chắn được lên kế hoạch để cài đặt bất kỳ tên lửa nào trong bất kỳ bệ phóng nào, do đó thích nghi với bất kỳ nhiệm vụ chiến tranh nào, bao gồm cả tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Lockheed Martin chỉ ra rằng các bệ phóng lớn hơn có thể mang những tên lửa lớn như tên lửa đạn đạo hay tên lửa tấn công tầm xa.

Do đó, về bản chất, các căn cứ ở Romania, Ba Lan và 4 tàu chiến ở Tây Ban Nha có thể được trang bị không chỉ các tên lửa đánh chặn, mà còn các tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hàng nghìn cây số.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ ngày 24/7 cho biết 4 tàu chiến Aegis, hoạt động ở vùng biển châu Âu, là để bảo vệ lục địa già khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng bằng tên lửa đạn đạo.

Hiện, Mỹ có 38 tàu khu trục Aegis và sẽ lên tới 59 chiếc vào năm 2024.

Trong năm tài chính 2020, chính quyền Mỹ đã phân bổ 1,8 tỷ USD cho việc triển khai hệ thống này, bao gồm các căn cứ tại Romania và Ba Lan.

Các căn cứ khác trên đất liền và các tàu khu trục Aegis sẽ được triển khai không chỉ ở châu Âu để đối phó Nga mà còn ở châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ lắp đặt 2 hệ thống tên lửa Aegis do Mỹ cung cấp trên lãnh thổ nước này; Hàn Quốc và Australia cũng sẽ mua chiến hạm được trang bị hệ thống tên lửa này của Mỹ.

NATO công bố hệ thống Aegis hoạt động trở lại và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được tái triển khai dù không tiết lộ ở đâu.

Mỹ nhắm tới mục tiêu gì khi triển khai tên lửa ở châu Âu? ảnh 2Vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California (Mỹ) ngày 18/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng Quân đội Mỹ đã chuyển các dàn tên lửa này sang đảo Guam ở khu vực Thái Bình Dương. Nếu đây là sự thật, việc Mỹ hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để lắp đặt các tên lửa hạt nhân tầm trung dọc biên giới Nga và Trung Quốc không có gì ngạc nhiên.

Thượng nghị sỹ Viktor Bondarev - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Nga - đã đưa ra thông báo tại Moskva rằng Nga cũng đã bố trí các máy bay ném bom tấn công hạt nhân Tu-22M3 ở bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, hầu như không ai quan tâm đến các vấn đề trên bởi vì ở EU tất cả những điều này bị che giấu bởi bộ máy truyền thông chính trị.

Một khi các tên lửa hạt nhân mới (cả hành trình và đạn đạo) thuộc loại bị cấm theo Hiệp ước INF được chế tạo, Mỹ sẽ yêu cầu các đồng minh châu Âu sở hữu chúng và do đó EU sẽ bị đặt ở tuyến đầu trong cuộc đối đầu hạt nhân với Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục