Mỹ phản đối đưa điều khoản cấm thao túng tiền tệ vào đàm phán TPP

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những đề xuất về việc đưa các điều khoản chống thao túng tiền tệ vào tiến trình đàm phán TPP.
Mỹ phản đối đưa điều khoản cấm thao túng tiền tệ vào đàm phán TPP ảnh 1Đại diện Mỹ và Nhật Bản trong một vòng đàm phán TPP. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21/4 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những đề xuất của các nghị sỹ đảng Dân chủ về việc đưa các điều khoản chống thao túng tiền tệ vào tiến trình đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cảnh báo yêu cầu này sẽ làm chệch hướng nỗ lực hoàn tất hiệp định trên.

Trong bức thư gửi đến giới chức lập pháp nước này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nhấn mạnh mặc dù Chính quyền Washington ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp ngăn chặn việc thao túng tiền tệ, song việc đưa những điều khoản trên vào đàm phán TPP có thể gây tâm lý "ái ngại và dè dặt" cho các đối tác tham gia đàm phán.

Theo ông Lew, Chính phủ Mỹ đã trao đổi với các thành viên tham gia đàm phán TPP về vấn đề này và tất cả các đối tác châu Á đều phản đối việc đưa các quy định chống thao túng tiền tệ vào quá trình đàm phán. Nguyên nhân, theo họ, là do điều này có thể gây sức ép đối với các ngân hàng trung ương trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Quan chức này cũng bày tỏ quan ngại đề xuất trên cũng sẽ khiến các nước khác có thể yêu cầu đưa điều khoản chống thao túng tiền tệ vào bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào với Mỹ, gây nguy hiểm cho Washington trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ.

Tuyên bố của Bộ trưởng Lew được đưa ra sau khi nghị sỹ đảng Cộng hòa Rob Portman và nghị sỹ đảng Dân chủ Debbie Stabenow trước đó cùng ngày đã đề xuất một dự thảo bổ sung trong đó yêu cầu đưa điều khoản trừng phạt các quốc gia có hành động thao túng tiền tệ vào dự luật về quyền đàm phán nhanh (TPA) sẽ được Quốc hội tiến hành bỏ phiếu vào tuần tới.

Quyền đàm phán nhanh nếu được thông qua sẽ cho phép chính quyền của Tổng thống Obama đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán về TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, sau đó trình lên Quốc hội phê chuẩn, không có bổ sung các điều khoản hoặc chậm trễ về mặt thủ tục.

Phần lớn các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ủng hộ việc trao quyền đàm phán nhanh cho chính quyền trong khi nhiều nghị sỹ của Dân chủ lại lên tiếng gây cản trở.

Thượng nghị sỹ Chuck Schumer và Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, đều của đảng Dân chủ, cho rằng các hiệp định thương mại tự do chỉ giúp mang lại nhiều tiền bạc hơn cho thiểu số những người giàu có nhất, trong khi làm mất việc làm của người lao động Mỹ.

Một số nghị sỹ Dân chủ khác lại bày tỏ quan ngại một số nước có thể có hành động thao túng tiền tệ khi thực hiện chính sách hạ lãi suất để giữ giá đồng tiền thấp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, gây ảnh hưởng xấu đến các đối tác kinh doanh.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.

Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nhật Bản được đánh giá là "sống còn" đối với TPP vì hai nền kinh tế này gộp lại chiếm khoảng 80% sản lượng của toàn khối TPP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục