Mỹ phản đối thỏa thuận biến đổi khí hậu dự thảo

Mỹ đã phản đối các điều khoản chính trong thỏa thuận dự thảo tại hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra tại Copenhagen.
Ngày 11/12, Mỹ đã phản đối các điều khoản chính trong thỏa thuận dự thảo tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, ông Todd Stern nhấn mạnh trên nhiều khía cạnh, thỏa thuận dự thảo là một bước đi mang tính xây dựng, song các đề xuất về kiểm soát hoạt động thải khí cácbon là "không công bằng" và Mỹ không coi việc cắt giảm khí thải là cơ sở để đàm phán.

Theo ông Stern, vấn đề cốt lõi là cách chia sẻ gánh nặng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước vẫn chưa cân bằng, hiện sức ép chưa đủ lớn để các nền kinh tế khổng lồ đang nổi lên phải cắt giảm lượng khí thải.

Ông nhấn mạnh đây là một công thức phản ánh lối tư duy xưa cũ và các nước trên thế giới không thể giải quyết vấn đề theo cách này.

Thỏa thuận dự thảo, dài 7 trang, do Nhóm công tác đặc biệt về hoạt động hợp tác dài hạn của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (AWG-LCA) soạn thảo và sẽ được đưa ra để các bộ trưởng môi trường tham dự hội nghị thương thảo trong những ngày tới, trước khi trình hội nghị thông qua vào ngày dự kiến kết thúc hội nghị (18/12).

Thỏa thuận dự thảo đặt mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C hoặc 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dự thảo để ngỏ 3 sự lựa chọn về hạn mức cắt giảm khí thải toàn cầu vào năm 2020 so với năm 1990, gồm các mục tiêu 50%, 80% và 95%.

Các nước công nghiệp ủng hộ mục tiêu 50%, trong khi các nền kinh tế mới nổi, đứng đầu là Trung Quốc, phản đối bất kỳ mục tiêu nào trong số 3 mục tiêu này, trừ phi các nước giàu chịu trách nhiệm gần như toàn bộ về gánh nặng cắt giảm khí thải.

Ngày 12/12, hàng trăm nghìn người tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, như Australia, Khu hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc), Indonesia, Philippines, Afghanistan... đã tuần hành, kêu gọi lãnh đạo các nước hành động vì khí hậu.

Tại Đan Mạch, khoảng 50.000 cảnh sát có vũ trang cùng nhiều trực thăng đã được huy động nhằm ngăn chặn nguy cơ tuần hành biến thành bạo lực phản đối Hội nghị Copenhagen.

Quyết định siết chặt an ninh được thực hiện sau khi 515 tổ chức từ 67 nước trên thế giới thông báo tổ chức một cuộc tuần hành trong ngày 12/12, với sự tham gia của 60.000-80.000 người đến từ nhiều nước. Nhiều khả năng, một số nhóm bạo loạn cực tả sẽ tham gia cuộc tuần hành này để gây rối và kích động bạo lực.

Trong khi đó, tại Australia, khoảng 50.000 người đã xuống đường tuần hành kêu gọi hội nghị Copenhagen phải đạt được một thỏa thuận mang tính bắt buộc. Ngoài ra, hàng nghìn người đã tập trung trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra.

Các đoàn người dài cũng tuần hành qua các đường phố chính ở các thành phố lớn như Sydney, Melbourne.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục