Mỹ: Phản ứng trái chiều về sắc lệnh kiểm soát súng

Dư luận Mỹ có phản ứng rất khác nhau về sắc lệnh ban hành ngày 16/1 nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ bắn giết bừa bãi người vô tội.
Dư luận Mỹ đã có những phản ứng rất khác nhau về sắc lệnh hành chính mà Tổng thống Barack Obama vừa ký ban hành ngày 16/1 nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ bắn giết bừa bãi người vô tội.

Nhiều quan chức Nhà Trắng thừa nhận các biện pháp mới sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt từ nhóm các nghị sỹ bảo thủ của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội và Hiệp hội súng đạn toàn quốc (NRA) - một tổ chức có 4,5 triệu thành viên và được cho là rất có tiếng nói trong Quốc hội Mỹ cũng như ở một số bang.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, về 23 biện pháp hành chính được đưa ra cùng một lúc, giới phân tích cho rằng đây là một chiến dịch kiểm soát súng đạn tham vọng nhất ở Mỹ.

Nếu đồng loạt 23 biện pháp này được thực thi đầy đủ và nghiêm ngặt, sắc lệnh mà Tổng thống Obama vừa ban hành sẽ đánh dấu một cuộc cải cách kiểm soát súng đạn sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Thủ lĩnh phe đa số của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid tuyên bố Thượng viện sẽ sớm đưa ra thảo luận và thông qua một dự luật liên quan tới bạo lực súng đạn.

[Tổng thống Mỹ vừa công bố đề xuất kiểm soát súng]

Người mẹ của một trong 12 người bị sát hại trong vụ nổ súng tại một rạp chiếu phim ở bang Colorado hồi tháng 7/2012, bà Jessica Ghawi tuyên bố hoàn toàn ủng hộ các biện pháp của Nhà Trắng, cho rằng nếu không sớm có hành động thì sẽ có thêm nhiều người vô tội thiệt mạng.

Cùng ngày, Thống đốc bang Connecticut cũng đã ban bố một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ thảm sát. Bang Connecticut là nơi vừa xảy ra vụ thảm sát tại một trường tiểu học gây chấn động dự luận trong và ngoài nước Mỹ.

Trước đó, ngày 15/1, bang New York trở thành bang đầu tiên của Mỹ chính thức cấm buôn bán các loại vũ khí tấn công và yêu cầu tiến hành kiểm tra kỹ hồ sơ lý lịch tất cả những người muốn mua súng đạn. Các nhà lập pháp của ít nhất 10 bang khác cũng đang xem xét đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt liên quan tới kiểm soát súng đạn.

Theo kết quả thăm dò của hãng tin AP ngày 16/1, có tới 84% những người được hỏi ý kiến ủng hộ các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm tra lý lịch bất cứ ai muốn mua súng đạn. Kết quả thăm dò của tổ chức Pew cũng cho thấy có 85% số người được hỏi ủng hộ việc thẩm tra lý lịch tất cả những người nộp đơn xin mua súng, và 55% ủng hộ việc cấm các loại vũ khí tấn công.

Tuy nhiên, trước và sau khi Tổng thống Obama công bố các biện pháp trên, nhóm vận động hành lang của Hiệp hội súng đạn toàn quốc (NRA) đã tung ra một quảng cáo chỉ trích kế hoạch của ông Obama khi bác bỏ đề nghị trang bị vũ khí cho nhân viên bảo vệ tại tất cả các trường học của Mỹ. Đại diện của NRA lập luận rằng nỗ lực kiểm soát súng đạn của Nhà Trắng cũng sẽ thất bại vì trong quá khứ đã có nhiều đề xuất kiểm soát bị thất bại.

Biện pháp bị NRA và các nghị sỹ Cộng hòa phản đối mạnh nhất là việc cấm kinh doanh và sở hữu các loại vũ khí có khả năng tấn công. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng mọi đề xuất của tổng thống đều không thể chấm dứt được các vụ thảm sát.

Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của đảng Cộng hòa Reince Priebus còn nói rằng những biện pháp hành chính mà tổng thống vừa đưa ra có lẽ chỉ để làm hài lòng nền tảng cơ sở chính trị của cá nhân, không giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham thì cho rằng vụ thảm sát ở bang Connecticut là đau lòng, nhưng những gì mà Tổng thống Obama vừa đưa ra sẽ không giải quyết được các vấn đề cốt lõi, do vậy chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối của lưỡng đảng.

Trong 23 biện pháp hành chính vừa công bố có quy định kiểm tra nghiêm ngặt hồ sơ các vụ mua bán súng, đóng cửa vĩnh viễn một số địa điểm bán lẻ và các phòng trưng bày súng đạn; giới hạn các băng đạn ở mức 10 viên trở xuống; cấm tàng trữ các loại đạn có khả năng bắn thủng áo chống đạn; bãi bỏ lệnh cấm các cơ quan nhà nước tiến hành nghiên cứu về bạo lực súng đạn; tăng cường dịch vụ y tế tâm thần, kêu gọi Quốc hội sớm thông qua dự luật cấm các loại vũ khí tấn công đã hết hạn từ năm 2004.

Những biện pháp mà ông Obama vừa ban bố dựa trên đề xuất cụ thể của nhóm đặc nhiệm do Phó Tổng thống Joe Biden đứng đầu. Khi công bố một loạt biện pháp trên, Tổng thống Obama khẳng định giữ an toàn tính mạng cho các thế hệ trẻ em Mỹ là nhiệm vụ cấp bách, càng lần lữa sẽ càng chứng kiến thêm các vụ thảm sát đau lòng.

Theo kết quả điều tra của Cục Điều tra liên bang (FBI), trong 14 năm qua trên toàn nước Mỹ có hơn một triệu trường hợp nộp đơn mua súng đạn bị từ chối sau khi kiểm tra hồ sơ lý lịch, trong đó có nhiều trường hợp có án hình sự, sử dụng ma túy hoặc có vấn đề về thần kinh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục