Mỹ sẽ không gửi viện trợ trực tiếp qua chính quyền của Taliban

Các cố vấn thuộc phe Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đều cho rằng các nghị sỹ sẽ không ủng hộ kế hoạch chuyển tiền cho Taliban do tình trạng thiếu vắng cơ chế giám sát và chưa sẵn sàng ủng hộ lực lượng này.
Mỹ sẽ không gửi viện trợ trực tiếp qua chính quyền của Taliban ảnh 1Người dân mất nhà cửa do chiến tranh dựng lều tạm tại một công viên ở thủ đô Kabul , ngày 11/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cố vấn của Quốc hội Mỹ ngày 3/9 cho biết hầu như không có chuyện Mỹ chuyển trực tiếp đến chính phủ mới do Taliban lãnh đạo các khoản viện trợ cho Afghanistan, dù rằng Quốc hội đồng ý tài trợ cho Liên hợp quốc và các cơ quan khác chuyên cung cấp viện trợ nhân đạo cho quốc gia Tây Nam Á này.

Theo các quan chức trên, Quốc hội Mỹ gần như chắc chắn sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người Afghanistan bị buộc phải rời bỏ nhà cửa ở trong nước và những người tị nạn, nhưng hoạt động này sẽ không dành cho chính quyền mới ở Afghanistan, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Các cố vấn thuộc cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng các nghị sỹ sẽ không ủng hộ kế hoạch chuyển tiền cho Taliban do tình trạng thiếu vắng cơ chế giám sát và tâm lý chưa sẵn sàng ủng hộ chính quyền của lực lượng vẫn bị Washington liệt vào danh sách áp đặt trừng phạt.

Ngay cả trong trường hợp viện trợ cho qua tổ chức quốc tế như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Quốc hội Mỹ cũng muốn đưa ra các điều kiện chặt chẽ đối với cách thức chi tiêu.

Cũng trong ngày 3/9, chính phủ Mỹ cho biết hiện còn quá sớm để kết luận về cáo buộc Taliban vi phạm nhân quyền kể từ khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul.

[Quốc tế chờ đợi Taliban thực hiện các cam kết về chính phủ mới]

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Dean Thompson cho biết “hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn” đồng thời khẳng định Washington đang theo dõi sát thông tin về vấn đề này.

Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ đánh giá chính quyền Taliban dựa trên cam kết của lực lượng này, trong đó có việc tôn trọng nhân quyền và thành lập một chính phủ đa đại diện.

Trong cuộc họp báo, ông Thompson cũng bác bỏ thông tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp đại diện của Taliban tại Doha trong chuyến công du tới đây.

Ông tái khẳng định cách tiếp cận đồng nhất của Mỹ trong việc tiếp xúc cấp cao với lực lượng Taliban và việc công nhận chính quyền tương lai tại Afghanistan do lực lượng này đứng đầu.

Về phía Taliban, ngày 3/9, người phát ngôn Suhail Shaheen cho biết đại diện của lực lượng này đã có cuộc tiếp xúc với phía Pakistan để thảo luận về tình hình hiện nay tại Afghanistan.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Shaeen cho biết phái đoàn do phó lãnh đạo nhánh chính trị của Taliban, Sher M. Abbas Stanikzai, dẫn đầu đã có cuộc gặp với Đại sứ Pakistan tại Qatar.

Hai bên đã thảo luận về tình hình hiện nay tại Afghanistan, vấn đề hỗ trợ nhân đạo, quan hệ song phương dựa trên lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau cũng như nỗ lực tái thiết Afghanistan.

Hai bên cũng đề cập đến việc dòng người tị nạn di chuyển qua biên giới hai nước, vốn gia tăng kể từ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul.

Liên quan đến những người tị nạn chạy khỏi Afghanistan, ngày 3/9, kênh NBC News dẫn các nguồn thạo tin về chiến dịch sơ tán của Mỹ cho biết trong số những người được sơ tán, có khoảng 100 người Afghanistan bị nhà chức trách Mỹ đưa vào danh sách có thể có liên hệ với khủng bố.

Nguồn tin cho biết 2 trong số 100 người nói trên đã được chuyển tới Kosovo để điều tra thêm. Cũng theo nguồn tin trên, có khoảng 10.000 người tị nạn cần phải rà soát thêm, trong đó có một số cá nhân từng bị trục xuất khỏi Mỹ do các tội danh hình sự, tuy nhiên Bộ An ninh Nội địa Mỹ hiện chưa quyết định sẽ giải quyết ra sao những trường hợp này.

Hiện Bộ An ninh Nội địa Mỹ chưa bình luận gì về thông tin của NBC News trong khi Bộ Tư pháp Mỹ từ chối trả lời vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục