Giới chức Mỹ ngày 12/3 cho biết các khách hàng của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sẽ được tiếp cận tiền gửi của mình bắt đầu từ ngày 13/3, trong bối cảnh chính phủ nước này đang thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ các khoản tiền gửi và ngăn chặn những tác động kinh tế lan rộng hơn từ vụ phá sản của ngân hàng SVB.
Theo một thông báo chung ngày 12/3 từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Martin Gruenberg, sau khi tham vấn Tổng thống Joe Biden, ban điều hành FDIC và Fed đã thông qua quyết định của FDIC về SVB.
Thông báo cho biết: “Hôm nay chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của người dân vào hệ thông ngân hàng. Biện pháp này sẽ đảm bảo hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện vai trò cần thiết của mình là bảo vệ tiền gửi và cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp…”
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết các công ty sẽ không được giải cứu, nhưng những người gửi tiền sẽ được bảo vệ.
Bên cạnh đó, quan chức này cho biết chính quyền của Tổng thống Biden sẽ làm việc với Quốc hội và các cơ quan quản lý tài chính để xem xét thêm các biện pháp nhằm củng cố hơn nữa hệ thống tài chính.
Cùng ngày, Fed cũng cho biết sẽ bổ sung thêm vốn vay thông qua một chương trình mới, qua đó cung cấp các khoản vay có thời hạn lên đến một năm cho các tổ chức nhận tiền gửi, và các khoản vay này sẽ được đảm bằng trái phiếu chính phủ và các tài sản khác mà các tổ chức này nắm giữ.
Để hạn chế ảnh hưởng dây chuyền sau vụ sụp đổ này, một nguồn thạo tin cho biết, FDIC đang tìm kiếm một ngân hàng khác có thể sáp nhập với SVB nhằm cứu vãn tình hình.
Theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm tiền gửi.
Giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận mua lại SVB quá lớn để có thể đạt được trong thời gian gấp rút, trong khi các bên mua tiềm năng có thể sẽ yêu cầu các điều khoản đảm bảo đặc biệt hoặc tiền phụ trợ đi kèm.
Tổ chức tài chính Santa Clara, bang California, với khối tài sản trị giá 209 tỷ USD, được cho là một trong số những đối tác tiềm năng mua SVB.
[Mỹ tìm cách giải quyết vụ ngân hàng Silicon Valley phá sản]
Này 10/3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản.
Động thái đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt."
SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng.
Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Giới chức điều hành ngân hàng bang California ngay lập tức đóng cửa SVB và chỉ định FDIC là nơi nhận tiền bán các tài sản của SVB sau này.
SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, như Roblox Corp chuyên sản xuất trò chơi điện tử hay Roku Inc chuyên sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết đã gửi hàng trăm triệu USD ở SVB.
Tốc độ sụp đổ của SVB đã làm cả thị trường tài chính “choáng váng." Cổ phiếu của SVB đã bắt đầu sụt giảm từ ngày 9/3, và sau đó tác động dần lan sang các ngân hàng khác của Mỹ và châu Âu.
Theo tính toán của Reuters, hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Mỹ đã bị “xóa sổ” trong hai ngày 9-10/3.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia lo ngại sự sụp đổ của của SVB có thể dẫn đến nguy cơ đánh mất niềm tin của khách hàng, khiến giới chức quản lý siết chặt quy định hơn và nhà đầu tư hoài nghi về tình hình tài chính của các ngân hàng nhỏ./.