Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng sự hiện diện quân sự ở 3 tiền đồn đảo Guam, cảng Darwin và đảo Diego Garcia sẽ là chìa khóa cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trong tương lai.
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: U.S. Navy)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 24/7 đăng bài với tựa đề "Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của giáo sư Hàn Húc Đông làm việc tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Trong bài báo, giáo sư Hàn Húc Đông cho biết mặc dù thuật ngữ "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" đã được chính quyền Mỹ chính thức thông qua một khoảng thời gian, song nhiều người lại cho rằng ngoài việc đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi tháng 5 vừa qua, Washington đã không có mấy tiến bộ đáng kể trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng xét từ quan điểm triển khai quân sự, cấu trúc và hoạch định tổng thể, sự hiện diện quân đội Mỹ lại đang được định hình. Sự hiện diện quân sự như vậy bao gồm cả vật liệu và trang thiết bị, các cuộc tập trận quân sự, hoạt động giao lưu trao đổi quân sự và thiết lập các căn cứ quân sự, qua đó có thể hỗ trợ binh lính Mỹ phô trương sức mạnh của nước này.

["Các nước Nam Thái Bình Dương sẽ chọn Mỹ, thay vì Trung Quốc"]

Giáo sư Hàn Húc Đông phân tích việc thành lập Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy Ấn Độ Dương không còn phụ thuộc vào chiến lược tổng thể Thái Bình Dương của Mỹ, mà là một phần trọng yếu của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Do đó, vị trí chiến lược của Ấn Độ Dương đã được nâng lên.

Động thái này còn cho thấy sự tập trung chiến lược của Mỹ hiện đang chuyển từ biển vào đất liền. Đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương, cảng Darwin ở miền Bắc Australia và đảo Diego Garcia - căn cứ quân sự của Mỹ ở trung tâm Ấn Độ Dương - sẽ cung cấp hỗ trợ cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới này. Tác giả nhận định sự hiện diện quân sự ở 3 tiền đồn này sẽ là chìa khóa cho chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trong tương lai.

Theo ông Hàn Húc Đông, các vai trò của những tiền đồn này là khác nhau. Các đảo Guam và Diego Garcia sẽ trở thành trung tâm của các chiến dịch quân sự, còn cảng Darwin sẽ trở thành một trung tâm hỗ trợ. Theo đó, nằm ở Tây Thái Bình Dương, đảo Guam nằm sát với nhiều sân bay, bến cảng và kho hàng lớn của khu vực Đông Nam Á. Căn cứ Guam không những có khả năng chứa và lưu trữ thiết bị quân sự mà còn có thể ứng phó nhanh chóng với một cuộc khủng hoảng ở các khu vực biên giới và điều chỉnh sự hiện diện quân sự của Mỹ từ việc tập trung vào khu vực Đông Bắc Á tới Đông Nam Á.

Còn tại Ấn Độ Dương, đảo Diego Garcia đã trở thành căn cứ quân sự của Mỹ kể từ năm 2007. Vị thế của căn cứ này chắc chắn sẽ được nâng tầm với việc Mỹ đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong vài năm qua, Mỹ đã đề cao tầm quan trọng ngày càng tăng đối với cảng Darwin khi tăng cường sự hiện diện quân sự tại căn cứ này. Tuy nhiên, mặc dù là một đồng minh của Washington, song Australia không muốn trở thành "nô lệ" của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Canberra sẽ hạn chế vai trò của cảng Darwin trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Australia có thể sẽ chỉ hỗ trợ các đảo Guam và Diego Garcia, song nhiều khả năng sẽ không có bất cứ chiến dịch quân sự trực tiếp nào được phát động từ cảng Darwin.

Ngoài các căn cứ quân sự, các cuộc tập trận quân sự là một hình thức khác thể hiện sức mạnh phòng thủ. Ban đầu, cuộc tập trận hải quân Malabar do Mỹ và Ấn Độ tiến hành ở Ấn Độ Dương, song sau đó hai nước này đã mời thêm Nhật Bản và mở rộng khu vực của các cuộc tập trận hướng tới Tây Thái Bình Dương. Năm nay, các cuộc tập trận này đã được tổ chức ở ngoài khơi đảo Guam.

Với việc Mỹ thúc đẩy sâu rộng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cuộc tập trận tương tự như cuộc tập trận Malabar, và sẽ được tổ chức ở cả Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, không chỉ các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương mà còn cả khu vực Ấn Độ Dương cũng sẽ được mời tham gia tập trận cùng. Mỹ sẽ chi phối các cuộc tập trận này, song sẽ rút lui vào hậu trường. Các quốc gia ở trong hai khu vực này sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thêm vào đó, sẽ có thêm nhiều cuộc tập trận với sự tham gia của các lực lượng không quân và hải quân.

Trong khi tăng cường năng lực răn đe trên không và trên biển ở trong khu vực này, Mỹ còn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á thông qua việc thành lập các căn cứ quân sự, cũng như gia tăng quy mô và cường độ của các cuộc tập trận quân sự. Trong tương lai, Mỹ chắc chắn sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tác giả kết luận với việc thành lập các căn cứ quân sự, tổ chức các cuộc tập trận quân sự, tiến hành giao lưu trao đổi quân sự hay thử nghiệm vũ khí, các hoạt động này đang được thực thi với mục tiêu duy nhất là nhằm vào Trung Quốc, đồng thời khẳng định động thái như vậy sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục