Mỹ thận trọng lạc quan về đàm phán hạt nhân P5+1 với Iran

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố ông hy vọng nhưng không quá lạc quan về thành công của cuộc đàm phán hạt nhân giữa Nhóm P5+1 với Iran.
Mỹ thận trọng lạc quan về đàm phán hạt nhân P5+1 với Iran ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Nguồn AFP/TTXVN)

Tuy không đưa ra các tuyên bố lạc quan trước thời hạn chót 30/6 cho đàm phán hạt nhân giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran, đồng thời cảnh báo nguy cơ đàm phán hạt nhân đổ vỡ vào phút chót nếu nước Cộng hòa Hồi giáo không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận khung đạt được hồi tháng Tư, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vẫn bày tỏ hy vọng đối với vòng đàm phán tới đây.

Phát biểu với báo giới ngày 25/6 tại Washington trước khi bay tới Vienna (Áo) dự đàm phán giữa các cường quốc với Iran, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố ông hy vọng các bên sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ đồng thời khẳng định ông không quá lạc quan.

Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng (đề nghị giấu tên) cho biết các nhà đàm phán nhìn thấy triển vọng về "một thỏa thuận tốt đẹp" song vẫn cần đợi tới khi thương lượng thực sự kết thúc. Theo ông này, các nước đàm phán đều mong muốn "bắt kịp" thời hạn chót 30/6 đặt ra trước đó, nhưng vẫn không loại trừ nguy cơ mốc thời gian này sẽ phải kéo dãn trong trường cần thiết để đảm bảo chất lượng cho thỏa thuận cuối cùng.

Hai nội dung then chốt hiện nay là thời gian và phạm vi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran cũng như tiến trình giám sát, kiểm tra để đảm bảo Iran tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận đạt được.

Trong khi đó, giới lập pháp Mỹ tiếp tục đưa ra các giới hạn đỏ để tránh một thỏa thuận hạt nhân "yếu." Nhiều nhà lập pháp có ảnh hưởng, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Bob Corker, nhấn mạnh không nên dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào trước khi Tehran bắt đầu tuân thủ thỏa thuận.

Các nhà lập pháp cũng yêu cầu một cơ chế kiểm tra cứng rắn, trong đó các thanh sát viên có thể tới kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Iran mọi lúc mọi nơi.

Nếu bỏ qua các yêu cầu trên, bất kỳ thỏa thuận hạt nhân đạt được nào cũng có nguy cơ gặp khó khăn do Đạo luật "Rà soát Hiệp định hạt nhân với Iran” được Tổng thống Barack Obama ký ban hành vào tháng trước.

Đạo luật này quy định Nhà Trắng không được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran trong vòng ít nhất 30 ngày khi các nhà lập pháp đang trong quá trình xem xét hiệp định cuối cùng mà Nhóm P5+1 và Iran có thể đạt được từ nay đến hạn chót ngày 30/6.

Đạo luật cũng đặt điều kiện nếu các nghị sỹ không chấp nhận hiệp định thì Tổng thống Obama sẽ bị mất quyền bãi bỏ mọi biện pháp trừng phạt kinh tế mà Quốc hội Mỹ áp đặt đối với Iran.

Quan ngại tại Đồi Capitol tăng cao trong tuần này sau khi lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei, tuyên bố các "giới hạn đỏ" của ông đối với một thỏa thuận hạt nhân bao gồm Liên hợp quốc và Mỹ phải ngay lập tức dỡ bỏ các trừng phạt đồng thời phản đối việc cho phép các thanh sát viên Liên hợp quốc vào Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục