Mỹ thận trọng và cương quyết trong đàm phán với Triều Tiên

Ngày 31/1, Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên đưa ra một danh sách các yêu cầu đối với tiến trình phi hạt nhân hóa, một văn bản nhiều khả năng sẽ khiến Bình Nhưỡng tức giận.
Mỹ thận trọng và cương quyết trong đàm phán với Triều Tiên ảnh 1Đặc phái viên Mỹ về chính sách đối với Triều Tiên Stephen Biegun. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Reuters và AFP ngày 1/2 đưa tin, ngày 31/1, Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã đưa ra một danh sách các yêu cầu đối với tiến trình phi hạt nhân hóa, một văn bản nhiều khả năng sẽ khiến Bình Nhưỡng tức giận, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố thời gian và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai đã được xác định và hoan nghênh “tiến triển to lớn” trong việc xử lý mối quan hệ với quốc gia này.

Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford ở Palo Alto, California, ông Biegun nói rằng Triều Tiên cần công bố toàn bộ chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời cảnh báo rằng Washington có sẵn “những phương án chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp” nếu tiến trình ngoại giao thất bại.

Trong phát biểu công khai chi tiết nhất về vấn đề Triều Tiên sau 5 tháng đảm nhận cương vị mới, ông Biegun nói rằng Wasahington cần phải có được quyền tiếp cận và có cơ chế giám sát các khu vực hạt nhân và tên lửa cũng như “đảm bảo việc di chuyển hoặc phá hủy các kho chứa nguyên liệu phân tách, vũ khí, tên lửa, bệ phóng và các vũ khí hủy diệt khác.

Ông Biegun cũng nói rằng trong chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 10 năm ngoái của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết giải giáp và phá hủy các cơ sở làm giàu plutoni và urani.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên thừa nhận “vẫn còn rất nhiều việc phải làm,” trong khi Tổng thống Trump đã tỏ ra rất lạc quan về triển vọng của hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Kim Jong-un.

Ngày 31/1, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố với các phóng viên tại Phòng Bầu dục rằng thời điểm và địa điểm diễn ra cuộc gặp thứ hai sẽ được công bố vào tuần tới.

Theo AFP, nhiều người hoài nghi đã tỏ ý lo ngại rằng Tổng thống Trump đang quá háo hức với việc thúc đẩy một thỏa thuận có thể tạo dựng di sản cho mình và được dư luận ngưỡng mộ về việc lần thứ hai gặp gỡ một nhà lãnh đạo bí ẩn và độc tài, ông Biegun khẳng định chính quyền hoàn toàn sáng suốt và đã có những dự tính thận trọng.

Ngày 30/1 vừa qua, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Triều Tiên đã nhất trí về thời gian tiến hành cuộc gặp là vào khoảng cuối tháng Hai này và “tại châu Á.”

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Biegun sẽ tới Hàn Quốc vào ngày 3/2 tới để thảo luận với người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok Chol “về các biện pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa có kiểm chứng hoàn toàn Triều Tiên và các bước tiến để thúc đẩy hơn nữa các cam kết mà hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tại Singapore.”

[Mỹ-Triều đàm phán tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần hai]

Triều Tiên cho rằng Mỹ chưa đủ nỗ lực để “đền đáp” những gì mà nước này đã thực hiện trong việc giải giáp một số cơ sở vũ khí. Bình Nhưỡng tiếp tục yêu cầu được dỡ bỏ một số đòn trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và một hiệp ước nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên cũng như các biện pháp đảm bảo an ninh.

Trong phát biểu của mình, ông Biegun nói rằng Mỹ đã khẳng định với phía Triều Tiên về việc thực hiện “song song và đồng thời” các cam kết được đưa ra tại Singapore và đã nới lỏng các quy định về viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Ông dự kiến sẽ cùng người đồng cấp Triều Tiên thảo luận “các biện pháp tương ứng” mà Washington đã có kế hoạch thực hiện để đổi lấy việc Triều Tiên giải giáp các cơ sở làm giàu urani.

Trả lời báo giới sau bài phát biểu, ông Biegun khẳng định Mỹ sẽ không dỡ bỏ trừng phạt chừng nào tiến trình phi hạt nhân của Triều Tiên chưa hoàn thành, song nhấn mạnh “chúng tôi không nói là chúng tôi sẽ không làm gì cho tới khi nào tiến trình này hoàn tất.”

Ông cho biết cả ông và Tổng thống Trump đều nhận ra rằng đã đến lúc để chấm dứt 70 chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên, song không nói rõ về khả năng đưa ra một tuyên bố chấm dứt chiến tranh cụ thể.

Ông nói: “Nếu họ làm điều đúng đắn với các loại vũ khí hạt nhân, thì đó sẽ là lý do rất thuyết phục để thiết lập cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.”

Ông thừa nhận cả Mỹ và Triều Tiên đều chưa nhất quán về định nghĩa phi hạt nhân hóa song tránh nói đến các kỳ vọng của Mỹ và cho biết Tổng thống Trump hy vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ đem đến “tiến triển đặc biệt và có kiểm chứng cho tiến trình phi hạt nhân.”

Ông nhấn mạnh rằng trước hết hai bên cần làm rõ toàn bộ mọi khía cạnh liên quan tới chương trình tên lửa và vũ khí của Triều Tiên và các chi tiết này nên được giải quyết trong các cuộc đàm phán ở cấp làm việc nếu người ta áp đặt các điều kiện “để chuyển đổi cơ bản mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.”

Ông cam kết rằng một khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ sẵn sàng cùng Triều Tiên và các quốc gia khác tìm kiếm những cách tốt nhất để thu hút đầu tư tới quốc gia Đông Bắc Á này.

Ông cho rằng các cuộc đàm phán trong suốt 25 năm qua cho thấy Triều Tiên là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất bại và khẳng định “chúng ta cần có những dự phòng trong trường hợp tiến trình ngoại giao thất bại”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục