Ngày 18/1, Mỹ thông báo sẽ không cấp 45 triệu USD viện trợ lương thực cho Palestine mà Washington đã cam kết tháng trước trong khuôn khổ chương trình viện trợ khẩn cấp dành cho Bờ Tây và Dải Gaza do Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên hợp quốc (UNRWA) đứng đầu.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết khoản viện trợ trên là Mỹ "báo trước" đóng góp để giúp UNRWA, nhưng đó không phải là một sự bảo đảm.
Bà Nauert nêu rõ Mỹ sẽ không cung cấp khoản viện trợ này ở thời điểm hiện tại, song không có nghĩa sẽ không cấp trong tương lai. Người phát ngôn này cũng nhắc lại lập trường của Mỹ cho rằng UNRWA cần cải tổ.
Trước đó, trong thư gửi người đứng đầu UNRWA Pierre Krahenbuhl ngày 15/12/2017, quan chức phụ trách tài chính thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết cấp 45 triệu USD cho chương trình viện trợ khẩn cấp dành cho Bờ Tây và Dải Gaza và sẽ giải ngân khoản tiền này vào đầu năm 2018.
Ngày 16/1, Mỹ cũng thông báo đình chỉ giải ngân 65 triệu USD trong tổng gói viện trợ 125 triệu USD dành cho UNRWA.
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Washington cho rằng UNRWA cần thực hiện một số biện pháp cải tổ.
Người phát ngôn Nauert phủ nhận Mỹ giữ lại khoản viện trợ này là nhằm đáp trả việc Palestine phản đối tuyên bố của Tổng thống Donald Trump chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem.
UNRWA cảnh báo quyết định này của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới 525.000 sinh viên người Palestine và hàng triệu người tị nạn Palestine, cũng như an ninh khu vực trong bối cảnh Trung Đông đang đối mặt với một loạt nguy cơ và mối đe dọa đang có khả năng leo thang.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo việc UNRWA phải đóng cửa hoặc bị hạn chế hoạt động mà không có một sự thay thế hiệu quả sẽ dẫn đến tình trạng nghèo đói nghiêm trọng hơn và thậm chí bạo lực.
Hiện Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho UNRWA, với cam kết gần 370 triệu USD trong năm 2016.
UNRWA cung cấp các dịch vụ như trường học và trạm y tế cho 5,3 triệu người tị nạn tại các vùng lãnh thổ Palestine, Jordan, Liban và Syria./.