Mỹ thử “giới hạn đáy” của Trung Quốc bằng những tín hiệu hỗn tạp

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng những tín hiệu hỗn tạp phía từ Mỹ là những chiến lược của chính quyền Donald Trump nhằm "thử giới hạn đáy của Bắc Kinh."
Mỹ thử “giới hạn đáy” của Trung Quốc bằng những tín hiệu hỗn tạp ảnh 1Hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5/7. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Thời báo Hoàn Cầu số ra ngày 1/8 dẫn nhận định của giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng những tín hiệu hỗn tạp phía từ Mỹ, trong đó gồm cả nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong khi gia tăng thuế áp lên các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 10 lên 25%, là những chiến lược của chính quyền Donald Trump nhằm "thử giới hạn đáy của Bắc Kinh," ngay cả khi Nhà Trắng thể hiện ít sự chân thành trong việc hỗ trợ tháo ngòi căng thẳng thương mại song phương.

Phát biểu họp báo tại Bắc Kinh ngày 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định rằng sức ép của Mỹ lên thương mại sẽ không hiệu quả, và các quy tắc và cam kết cần phải đóng vai trò chủ đạo trong đối thoại Trung-Mỹ.

Người phát ngôn này nhấn mạnh: “Chính phủ Trung Quốc luôn ủng hộ việc tận dụng cuộc đối thoại này để giải quyết các vấn đề thương mại, song Bắc Kinh sẽ trả đũa nếu Mỹ tăng cường các biện pháp gây cản trở thương mại."

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi hãng Bloomberg đưa tin rằng các đại diện của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang bí mật hội đàm trong bối cảnh hai bên nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Còn hãng tin Reuters hôm 31/7 cho biết trong khi động thái này cho thấy dấu hiệu về khả năng tái khởi động các cuộc đàm phán, thì chính quyền Trump cũng đang lên kế hoạch đánh thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ đề xuất ban đầu là 10%.

Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế, giáo sư Lâm Quế Quân, đã mô tả những hành động của Mỹ là "bắt nạt sau khi mời ăn tối" để xác định giới hạn đáy của Chính phủ Trung Quốc.

Ông cho hay: “Thật lố bịch... Phía Mỹ trông đợi gặt hái những lợi ích mà không đưa ra sự phải nhượng bộ nào. Mỹ đang cảm thấy bị đe dọa bởi ngành công nghệ trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc.”

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Viện nghiên cứu thị trường quốc thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Bạch Minh, khẳng định: “Đây là một đòn nước đôi, qua đó cho thấy sự xảo quyệt của Mỹ.”

Ông Bạch Minh cũng dự đoán rằng các cuộc đàm phán có thể sụp đổ một lần nữa bởi phía Mỹ thể hiện ít sự chân thành trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

[Mỹ thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc]

Trước đó, hai bên đã tổ chức ba vòng đối thoại trong ba tháng qua, song đã không đạt được bất kỳ kết quả đáng kể nào.

Ông Bạch Minh cho rằng Trung Quốc nên "chiến đấu đến cùng" và đưa ra các biện pháp đối phó, chẳng hạn như đánh thêm thuế đối với các hàng hóa của Mỹ và hạn chế sự tiếp cận của các công ty Mỹ trong một số khu vực nhất định ở Trung Quốc.

Quan trọng hơn, Trung Quốc cần nhanh chóng nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất của nước này - đây là cách tốt nhất để hạn chế tác động tiềm tàng của việc áp đặt thuế quan.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng thái độ của Trump đối với tranh chấp thương mại Trung-Mỹ nhiều khả năng sẽ thay đổi sau khi nền kinh tế Mỹ chịu gánh nặng trong tương lai gần.

Reuters cho biết đợt áp thuế tiếp theo đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực sau phiên điều trần trong tháng 8 này. Trong số các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc bị đánh thuế sẽ bao gồm sản phẩm lương thực, hóa học và hàng tiêu dùng…

Kinh tế gia trưởng Liên Bình của Ngân hàng Giao thông Trung Quốc nhận định: "Căng thẳng thương mại vẫn đang trong giai đoạn đầu, và điều này đồng nghĩa với việc kinh tế Mỹ đang chịu tác động hạn chế.”

Tuy nhiên, ông Liên Bình lưu ý rằng sau khi đợt áp thuế thứ 2 lên các hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, giá hàng hóa tiêu dùng của Mỹ sẽ tăng đáng kể và nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu nhiều bất ổn hơn, theo đó sẽ lần lượt gây ra những sự chia rẽ trong chính quyền Trump về đối sách với Trung Quốc.

Cũng theo ông Liên Bình, một ví dụ gần đây là sự nhượng bộ của Chính quyền Trump đối với mức thuế áp lên hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), mà giới quan sát cho biết nguyên nhân là do dấy lên những chỉ trích ở trong nội bộ nước Mỹ.

Tuần trước, Mỹ và EU đã nhất trí đưa mức thuế về 0 đối với các hàng hóa không thuộc ngành công nghiệp ôtô cũng như giảm thuế và tăng cường thương mại.

Ông Liên Bình nhận định: “Trung Quốc phải kiên cường và kiên nhẫn trong việc đối phó với cuộc tranh chấp thương mại này, và coi đó là một cuộc chiến tranh kéo dài".../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục