Mỹ "tố" Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lên WTO

Sau khi công bố kết quả điều tra về hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, đại diện Thương mại Mỹ đã gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên WTO về vấn đề này.
Mỹ "tố" Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lên WTO ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng Inside Trade cho biết, sau khi công bố kết quả điều tra theo Điều khoản 301 về các hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ, buộc chuyển giao công nghệ của Trung Quốc, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề này.

Trong yêu cầu tham vấn ghi rõ "Trung Quốc đã từ chối để các đối tác nước ngoài được có khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình khi liên doanh với đối tác Trung Quốc sau khi hợp đồng chuyển giao công nghệ kết thúc. Trung Quốc cũng áp đặt các điều khoản hợp đồng có tính bắt buộc, gây bất lợi, nhằm tạo ra sự phân biệt đối xử, chống lại và không tạo thuận lợi cho công nghệ nước ngoài nhập khẩu". USTR cho rằng Trung Quốc áp đặt các biện pháp này thông qua bốn chính sách và điều này đã vi phạm Điều 3, Điều 28 của TRIPS - Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO.

Yêu cầu tham vấn trên được công khai một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ đạo USTR đưa vụ việc này lên WTO, coi đây như một kết quả của cuộc điều tra theo Điều khoản 301. Ông Trump cũng yêu cầu USTR xây dựng danh sách các biểu thuế khuyến nghị và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xây dựng các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

[Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến thương mại với Mỹ]

Trong yêu cầu tham vấn, USTR đã chỉ ra một loạt công cụ cụ thể để thực hiện chính sách "buộc chuyển giao công nghệ không công bằng, phân biệt và hạn chế đầu tư" của Trung Quốc như Luật Ngoại thương của Trung Quốc; Quy định của Trung Quốc về nhập khẩu và xuất khẩu công nghệ; Luật về Doanh nghiệp liên doanh cổ phần Trung Quốc - Nước ngoài; các quy định triển khai Luật này... với các quy định như: "Các hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có thời gian thực hiện ít nhất 10 năm và cho phép bên liên doanh của Trung Quốc được sử dụng công nghệ này vĩnh viễn sau khi hợp đồng đã hết hạn", hay quy định "chủ sở hữu nước ngoài không được phép ngăn cản các nhà cấp giấy phép của Trung Quốc cải tiến công nghệ và sở hữu những cải tiến đó"; cho rằng các quy tắc này "đặc biệt gây hại cho bên cấp phép ở Mỹ nếu bên được cấp phép của Trung Quốc thực hiện một cải tiến có thể tách rời khỏi sáng chế gốc và sau đó bằng sáng chế cải tiến mạnh mẽ ở Trung Quốc hay nơi khác".

Theo quy định của WTO, Trung Quốc có 10 ngày để phản hồi yêu cầu tham vấn của Mỹ và phải thực hiện tham vấn trong vòng 30 ngày. Nếu tham vấn không giải quyết được vấn đề, Mỹ có thể yêu cầu thành lập Ban bồi thẩm trong vòng 60 ngày tính từ ngày yêu cầu tham vấn.

Trước đó, Mỹ, Nhật Bản (năm 2009) và Liên minh châu Âu (EU - năm 2011) từng gửi yêu cầu tham vấn về việc Trung Quốc buộc chuyển giao công nghệ vi phạm Hiệp định TRIPS lên WTO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục