Hòa đàm với Taliban

Mỹ và Afghanistan đã nhất trí hòa đàm với Taliban

Ngày 25/3, Mỹ và Afghanistan đã nhất trí mở cánh cửa đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban sau khi các lực lượng nước ngoài rút đi.
Ngày 25/3, Mỹ và Afghanistan đã nhất trí mở cánh cửa đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban, coi đây là một biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lâu dài cho quốc gia Tây Nam Á này sau khi các lực lượng nước ngoài rút đi.

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Hamid Karzai tại thủ đô Kabul nói rằng Washington và các nhà lãnh đạo Afghanistan có chung mục tiêu là mở cánh cửa đàm phán hòa bình với Taliban.

Việc các tay súng Taliban ngồi vào bàn đàm phán nhằm kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại Afghanistan là có lợi cho cả Afghanistan và Mỹ.

Đây là một động thái hòa giải giữa Washington và Kabul sau khi mối quan hệ Mỹ-Afghanistan căng thẳng hơn hồi tháng trước khi Tổng thống Karzai cáo buộc Mỹ đang bí mật đàm phán, cấu kết với Taliban nhằm chống lại chính phủ của ông.

Sau lời cáo buộc này, ông Karzai tiếp tục làm căng, hủy bỏ cuộc họp báo chung ngày 10/3 vừa qua sau cuộc hội đàm với tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của ông Hagel trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc.

Thỏa thuận trên của Mỹ và Afghanistan được công bố sau thông báo ngày 24/3 của Bộ Ngoại giao Afghanistan cho biết trong vài tuần tới Tổng thống Karzai sẽ tới thủ đô Doha để thảo luận với Quốc vương Qatar về khả năng mở một văn phòng đại diện của Taliban tại quốc gia vùng Vịnh này.

Việc mở văn phòng đại diện của Taliban có thể được coi là sự mở đầu cho quá trình hòa giải của Afghanistan.

Đầu năm nay, ông Karzai bác bỏ đề xuất mở văn phòng đại diện của Taliban tại Doha vì lo ngại Mỹ và Taliban có thể bí mật chống lại chính phủ của ông.

Lực lượng Taliban cho tới nay vẫn từ chối đàm phán trực tiếp với chính phủ của ông Karzai và tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan.

Trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Karzai cũng nhấn mạnh vai trò của Pakistan trong cuộc đàm phán hòa bình, cho rằng "đàm phán sẽ không có kết quả nếu không có sự tham gia của Pakistan."

Trước đó, trong cuộc hội đàm với ông Karzai, Ngoại trưởng Mỹ Kerry một lần nữa khẳng định Mỹ tiếp tục ủng hộ Afghanistan đến khi lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này vào cuối năm 2014.

Trong cuộc hội đàm, hai bên thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có tiến trình hòa giải tại Afghanistan, chuyển giao trách nhiệm an ninh cho các lực lượng Afghanistan, và về cuộc tổng tuyển cử tới đây tại quốc gia Tây Nam Á này cũng như Thỏa thuận an ninh song phương (BSA) giữa Kabul và Washington.

Chuyến thăm Afghanistan của ông John Kerry là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, nhưng là chuyến thăm lần thứ 6 của ông tới Afghanistan kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền năm 2009.

Theo giới truyền thông Mỹ, chuyến thăm lần này của ông Kerry tới Afghanistan nhằm hàn gắn mối quan hệ đang bị rạn nứt giữa hai nước do mâu thuẫn về nhiều vấn đề.

Mục tiêu quan trọng thứ hai là tìm cách củng cố nền hòa bình vẫn còn mong manh tại Afghanistan trong lúc Mỹ và các đồng minh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trong lộ trình rút quân khỏi nước này vào cuối năm 2014.

Trong một động thái được cho là nhằm hàn gắn quan hệ, ngày 25/3, Afghanistan đã nhận quyền kiểm soát nhà tù quân sự Bagram từ Mỹ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cho biết căn cứ Tarin Kot của nước này ở Afghanistan, nơi có 1.550 quân đồn trú, sẽ đóng cửa.

Dự kiến ít nhất 1.000 binh sỹ Australia sẽ về nước vào cuối năm nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục