Mỹ và Brazil cam kết thúc đẩy hợp tác sau vụ bê bối nghe lén

Gần 2 năm sau vụ bê bối tình báo phủ bóng đen lên quan hệ song phương, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hội đàm với người đồng cấp Mỹ Obama tại Nhà Trắng, cam kết tăng cường hợp tác giữa 2 nước.
Mỹ và Brazil cam kết thúc đẩy hợp tác sau vụ bê bối nghe lén ảnh 1Tổng thống Brazil Dilma Roussef. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Gần hai năm sau vụ bê bối tình báo phủ bóng đen lên quan hệ song phương, ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đón tiếp và hội đàm với người đồng cấp Brazil Dilma Rousseff tại Nhà Trắng, cam kết tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama khẳng định Brazil là một "cường quốc" và là "đối tác đáng tin cậy và không thể thiếu" trong thúc đẩy an ninh và các lợi ích của Mỹ trên toàn cầu.

Về phần mình, bà Rousseff cho rằng "mọi thứ đã thay đổi" từ tháng 10/2013 - thời điểm bà hủy chuyến thăm chính thức tới Mỹ do vụ bê bối liên quan tới việc tình báo nước này do thám hoạt động của bà.

Trong không khí cởi mở, tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các lĩnh vực hợp tác quan trọng như kinh tế, thương mại và đầu tư, xây dựng các chính phủ điện tử, kinh tế số, an ninh và tội phạm mạng.

Tổng thống Rousseff hoan nghênh các công ty Mỹ gia tăng đầu tư vào nền kinh tế nước này, trong đó có các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 64 tỷ USD. Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch, hai bên nhất trí từ đầu năm 2016 sẽ miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí hợp tác trong lĩnh vực đăng ký bản quyền và các hệ thống tiêu chuẩn khác.

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Brazil nhất trí tăng cường hợp tác để đến năm 2030 nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 20% tổng điện năng của hai nước.

Bà Rousseff cam kết thực thi những chính sách ngăn chặn tình trạng phá rừng bất hợp pháp, đồng thời cho biết sẽ tái tạo 12 triệu hécta rừng tới năm 2030. Hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy hợp tác hướng tới ký kết thỏa thuận khí hậu toàn cầu tại hội nghị Liên hợp quốc tổ chức tại Paris (Pháp) cuối năm nay.

Trước cuộc hội đàm, Tổng thống Obama đã cùng Tổng thống Rousseff thăm tượng đài nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng Martin Luther King ở thủ đô Washington.

Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, với các cuộc thảo luận rộng rãi về nhiều vấn đề, chuyến thăm của nữ Tổng thống Brazil mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

Chuyến thăm cũng có ý nghĩa lớn đối với Brazil, một quốc gia đang phải đối mặt với đà xuống dốc nghiêm trọng về kinh tế cộng với vụ tai tiếng liên quan tới bầu cử.

Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, quan chức Nhà Trắng này thừa nhận quan hệ song phương Mỹ-Brazil đã trải qua một giai đoạn sóng gió khi cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cuối năm 2013 tiết lộ cơ quan tình báo Mỹ đã bí mật theo dõi các nhà lãnh đạo Brazil trong nhiều năm, bao gồm cả việc ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại của Tổng thống Rousseff, dẫn tới việc bà Rousseff quyết định hủy chuyến thăm Mỹ theo kế hoạch vào tháng 10/2013 theo lời mời của Tổng thống Obama.

Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Rousseff sẽ tới thung lũng Silicon gặp lãnh đạo và giám đốc điều hành các tập đoàn và công ty công nghệ như Google, Apple và Facebook./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục