Mỹ và các nước Đông Phi thúc đẩy trao đổi thương mại

Mỹ và năm quốc gia khu vực Đông Phi đã cùng ký thỏa thuận cam kết nới lỏng việc trao đổi thương mại cũng như tạo điều kiện tăng cường nguồn đầu tư của Washington tại đây.
Mỹ và các nước Đông Phi thúc đẩy trao đổi thương mại ảnh 1Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nhằm gia tăng thị phần của các doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Đông Phi đầy tiềm năng, Mỹ và 5 quốc gia khu vực này đã cùng ký thỏa thuận cam kết nới lỏng việc trao đổi thương mại cũng như tạo điều kiện tăng cường nguồn đầu tư của Washington tại đây.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, các nước gồm Tanzania, Kenya, Uganda, Rwanda và Burundi đã nhất trí sẽ hợp tác với Mỹ trong các vấn đề hải quan, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại biên giới cũng như thúc đẩy tiến trình tiêu chuẩn hóa các quy định thương mại.
Như một phần của thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2013, Washington sẽ cung cấp các chương trình đào tạo kiến thức trong các lĩnh vực như vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn sức khỏe vật nuôi và cây trồng cũng như các quy định quốc tế.
Trao đổi với báo giới ngày 26/2, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh thỏa thuận trên và các kế hoạch hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia Đông Phi từ trước đến nay là một bàn đạp quan trọng giúp thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đánh giá thỏa thuận vừa đạt được đã đặt nền tảng giúp tạo đà cho việc tăng cường và xúc tiến hoạt động trao đổi thương mại giữa Mỹ với các quốc gia thuộc "Lục địa Đen."
Tất cả năm quốc gia trên hiện đều tham gia Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA), một chương trình cho phép 39 quốc gia châu Phi được xuất khẩu miễn thuế vào Mỹ với khoảng 7.000 sản phẩm hàng hóa như quần áo, cacao, gỗ, da, thực phẩm chế biến và hoa khô.
Nhà Trắng cũng đang hối thúc Quốc hội nước này gia hạn đạo luật này trước thời điểm hết hạn vào tháng 9/2015 nhằm tạo điều kiện cho chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với "Lục địa Đen" - ngôi nhà chung của 6 trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Giới phân tích nhận định một trong những yếu tố khiến Mỹ đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Phi là nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng khôi phục vị thế và tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Hiện Mỹ đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi, sau EU và Trung Quốc. Theo thống kê, trong năm 2014, trao đổi hàng hóa giữa nền kinh tế số một thế giới và khối các quốc gia Đông Phi đã tăng 52% lên 2,8 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 743 triệu USD./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục