Mỹ và các nước khuyến cáo công dân rời Nam Sudan

Mỹ và nhiều quốc gia đã quyết định sơ tán và khuyến cáo công dân của mình rời khỏi Nam Sudan ngay lập tức vì lý do an ninh.

Ngày 23/12, Mỹ và nhiều quốc gia đã quyết định sơ tán và khuyến cáo công dân của mình rời khỏi Nam Sudan ngay lập tức vì lý do an ninh, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại quốc gia Bắc Phi này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhiều công dân Mỹ và một số quốc gia khác đã được sơ tán khỏi thị trấn Bor, thuộc bang Jonglei, đến thủ đô Juba bằng các máy bay dân sự của Mỹ và Liên hợp quốc.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22/12, khoảng 380 người Mỹ và hơn 300 công dân các nước khác đã được đưa đến thủ đô Nairobi của Kenya và một vài địa điểm an toàn khác. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày cho biết đã triển khai thêm 46 binh sỹ tới Nam Sudan và đang cân nhắc các hành động tiếp theo sau vụ ba máy bay vận tải CV-22 Osprey bị tấn công trong nỗ lực sơ tán công dân Mỹ tại thị trấn Bor.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) cũng đã quyết định gửi thêm binh sỹ đến các khu vực xung đột và sơ tán toàn bộ nhân viên dân sự từ thủ đô Juba tới thành phố Entebbe của Uganda để giảm tải gánh nặng hỗ trợ cho hơn 20.000 người đang mắc kẹt tại Juba. UNMISS cũng có kế hoạch tái bố trí lực lượng tại thành phố Bor và Pariang để bảo vệ dân thường đang mắc kẹt tại đây.

Cũng trong ngày 23/12, Chính phủ Sri Lanka đã lên kế hoạch sơ tán khoảng 75 công nhân của nước này đang làm việc tại Nam Sudan và yêu cầu không đưa thêm người lao động sang trong thời gian xảy ra các cuộc xung đột.

Khoảng 200 trong tổng số 700 công nhân của Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đang làm việc tại Nam Sudan cũng đã được Đại sứ quán Trung Quốc phối hợp với công ty này đưa về nước. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình ngày càng xấu đi tại Nam Sudan và cam kết sẽ hỗ trợ cho tất cả các bên tại nước này để sớm ổn định tình hình.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 23/12 đã quyết định cung cấp khoảng 10.000 viên đạn cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, chủ yếu là cho các binh lính Hàn Quốc trong lực lượng này, đánh dấu lần đầu tiên Tokyo cung cấp các trang thiết bị quân sự cho lực lượng vũ trang Liên hợp quốc và các nước khác theo hình thức trên.

Giới chức quân sự Nhật Bản cho biết việc cung cấp các khí tài nói trên xuất phát từ yêu cầu cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tại Nam Sudan và là một ngoại lệ trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản, vốn có những quy định nghiêm ngặt trong hoạt động xuất khẩu vũ khí.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir ngày 23/12 cho biết quân đội nước này đã sẵn sàng triển khai và giành lại quyền kiểm soát thị trấn Bor ngay sau khi Mỹ hoàn thành sứ mệnh sơ tán công dân tại đây. Trước đó, quân đội Nam Sudan thừa nhận đã mất quyền kiểm soát một số khu vực quan trọng giàu dầu mỏ của nước này vào tay các nhóm vũ trang ủng hộ cựu Phó Tổng thống Riek Machar.

Bạo lực leo thang tại Nam Sudan kể từ cuối tuần trước sau khi Tổng thống Salva Kiir tuyên bố đập tan một cuộc đảo chính của các binh sỹ trung thành với ông Machar. Giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và nhóm vũ trang này đã khiến nhiều người thương vong và nhiều người khác phải sơ tán tới các cơ sở của Liên hợp quốc, trong khi Mỹ và Liên hợp quốc lo ngại tình hình Nam Sudan có nguy cơ sẽ quay trở lại thời kỳ nội chiến trước đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục