Mỹ và EU vẫn bất đồng về vấn đề thực phẩm biến đổi gien

Việc Liên minh châu Âu có kế hoạch trao cho các nước thành viên này quyền cấm nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gien (GMO) đã khiến Mỹ bất bình và thất vọng.
Mỹ và EU vẫn bất đồng về vấn đề thực phẩm biến đổi gien ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Việc Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch trao cho các nước thành viên này quyền cấm nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gien (GMO) đã khiến Mỹ bất bình và thất vọng. Dấu hiệu không mấy tích cực này bộc lộ ngay sau vòng đàm phán thứ 9 của Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa EU và Mỹ.

Phát biểu với báo giới ngày 24/4 sau khi vòng đàm phát kết thúc tại New York, ông Dan Mullaney, Trợ lý của Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách châu Âu và Trung Đông kiêm Trưởng phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán TTIP, cho rằng quyết định trên không thống nhất với các quy định truyền thống về thực phẩm của EU, không phù hợp với tham vọng của liên minh về một thị trường nội địa thống nhất.

Hiểu rõ châu Âu là một thị trường khó tính, luôn đặt ra những tiêu chuẩn chặt chẽ về an toàn thực phẩm, song Mỹ cho rằng điều này không thể bào chữa cho quyết định trên của EU. Ông Mullaney cho biết giới chức thương mại Washington hiện đang tiếp tục nghiên cứu những điều khoản trong đề xuất cấm các sản phẩm GMO, và hy vọng EU sẽ sớm có biện pháp nhằm tháo gỡ bế tắc, tôn trọng các nguyên tắc truyền thống về thương mại của hai bên.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Ignacio Garcia Bercero cho rằng đề xuất này phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và cũng như đầy đủ tính khoa học. Quan chức châu Âu khẳng định kế hoạch của EU không ảnh hướng tới tiến trình đàm phán TTIP.

Theo quy định hiện tại của EU, một sản phẩm GMO được phép nhập khẩu hoặc trồng tại các nước EU chỉ khi đáp ứng đầy đủ các quy định về sử dụng an toàn theo tiêu chuẩn của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu. Tuy nhiên, đề xuất mới của EU lại cho phép cá nhân 28 nước thành viên tự quyết định cấm nhập khẩu các sản phẩm này nếu như chúng tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, động vật, và môi trường.

Trước đó, cùng ngày, EU cũng đã đưa thêm 19 sản phẩm GMO vào danh sách nông sản được phép nhập khẩu để sử dụng và trồng tại các nước châu Âu. Trong số này có 11 nông sản đến từ Mỹ gồm các giống hạt biển đổi gien như đậu nành, ngô, hạt cải dầu, cây bông. Hiện tại, danh sách trên đã có 58 sản phẩm GMO được EU thông qua. Những sản phẩm này được phép lưu hành tại trên thị trường châu Âu trong 10 năm và buộc phải dán nhãn đề rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mỹ và EU vừa kết thúc vòng đàm phán TTIP lần thứ 9 với nội dung chính tập trung vào nuôi trồng thủy sản, tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, và một số vấn đề liên quan đến môi trường cũng như rào cản kỹ thuật trong thương mại hai bên. Dự kiến vòng đàm phán thứ 10 sẽ diễn ra vào những tháng tới tại tại Brussels, Bỉ.

Đàm phán TTIP được khởi động từ tháng 7/2013 với tham vọng hình thành nên một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Hiện các nền kinh tế EU và Mỹ chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. TTIP thành công sẽ là hiệp định tự do thương mại (FTA) lớn nhất và là kiểu mẫu FTA xuyên lục địa đầu tiên của thế giới.

Đầu tư và hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương hiện tạo ra tới 13 triệu việc làm cho cả hai phía. Ủy ban châu Âu ước tính khi TTIP có hiệu lực sẽ giúp GDP hàng năm của mỗi bên tăng thêm từ 0,5% đến 1% và tạo thêm hàng triệu việc làm mới. Đối với châu Âu, TTIP có thể tạo thêm nửa triệu việc làm và đem lại 119 tỷ euro/năm cho nền kinh tế này. Với nền kinh tế Mỹ, con số này sẽ là 95 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục