Mỹ và Israel thu hẹp các bất đồng về viện trợ quân sự

Mỹ và Israel đã thu hẹp những khác biệt trong các cuộc đàm phán gần đây liên quan đến gói viện trợ quân sự trị giá hàng chục tỷ USD mà Washington dành cho đồng minh Trung Đông này.
Mỹ và Israel thu hẹp các bất đồng về viện trợ quân sự ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mỹ và Israel đã thu hẹp những khác biệt trong các cuộc đàm phán gần đây liên quan đến gói viện trợ quân sự trị giá hàng chục tỷ USD mà Washington dành cho đồng minh Trung Đông này.

Tuy nhiên, thời điểm ký kết thỏa thuận vẫn chưa được ấn định.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ ngày 3/8, các cuộc đàm phán đã đạt tiến triển và giúp thu hẹp nhiều cách biệt giữa hai nước.

Các nhà đàm phán hy vọng sẽ sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng, song từ chối cung cấp thời gian chính xác việc hoàn tất đàm phán.

Bình luận trên được đưa ra sau khi quyền Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Israel Jacob Nagel hoàn tất chuyến thăm Mỹ sau các cuộc thảo luận kín kéo dài 3 ngày về gói viện trợ quân sự 10 năm mới.

Trong chuyến thăm, ông Nagel cũng có cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Susan Rice, bàn thảo về những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận.

Trước chuyến thăm Mỹ của ông Nagel, đã có nhiều ý kiến cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như đang nhượng bộ với hầu hết các điều kiện trong thỏa thuận viện trợ mới mà Mỹ dành cho Israel, đặc biệt là điều khoản liên quan đến cách thức sử dụng khoản viện trợ này.

Toàn bộ số tiền này sẽ được chi để mua vũ khí do Mỹ sản xuất.

Hiện, một phần số tiền này (26,3%) đang được dùng để mua vũ khí của các nhà sản xuất trong nước.

Ngoài ra, theo thỏa thuận năm 2007, Mỹ cấp cho Israel gói viện trợ quân sự trị giá khoảng 30 tỷ USD trong vòng 10 năm (đến năm 2018). Tuy nhiên, thỏa thuận mới dự kiến mỗi năm sẽ nâng số tiền này lên 3,5 đến 3,7 tỷ USD.

Đây là một mức tăng đáng kể dù thấp hơn so với yêu cầu 4 tỷ USD của Thủ tướng Netanyahu.

Bên cạnh đó, Washington cũng muốn dừng điều khoản cho Tel Aviv trích 400 triệu USD mỗi năm từ khoản viện trợ để sử dụng cho nhiên liệu quân sự.

Hai bên cũng bất đồng về khoản ngân sách của Mỹ cho chương trình phòng thủ tên lửa của Israel.

Quan hệ giữa Chính quyền Tổng thống Barack Obama và chính quyền Tổng thống Netanyahu gặp trục trặc sau khi Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Hai nước cũng bất đồng về vấn đề người Palestine. Những mâu thuẫn này cũng ảnh hưởng đến tiến trình thương lượng gói viện trợ mới có thời hạn tới cuối năm 2028 này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, với việc Tổng thống Obama sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 năm sau, chính quyền hai nước chủ trương hoàn tất văn kiện được đánh giá là đề cao sự hỗ trợ của Mỹ trong vòng một thập kỷ tới đối với đồng minh gần gũi nhất tại Trung Đông này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục