Mỹ và phương Tây sẽ không can thiệp trực tiếp vào Syria

Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tại Syria, mà chủ trương cung cấp vũ khí hiện đại cho phe đối lập.
Mỹ và phương Tây sẽ không can thiệp trực tiếp vào Syria ảnh 1Người dân Syria tuần hành ủng hộ Chính phủ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên Bassel Oudat của tuần báo Ai Cập Al Ahram đang có mặt tại Damascus, nhận định Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tại Syria, mà chủ trương cung cấp vũ khí hiện đại cho phe đối lập sau thất bại của cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva II.

Dẫn nguồn tin từ phe đối lập, phóng viên này cho biết Saudi Arabia sẵn sàng cung cấp cho các nhóm chống chính phủ Syria tên lửa vác vai phòng không và chống chiến xa. Trong khi đó, Mỹ được cho là sẵn sàng đào tạo hàng ngàn chiến binh Syria ở Jordan, và sau đó gửi họ trở lại Syria qua đường biên giới.

Nguồn tin trên cũng cho biết, đã có một kế hoạch di chuyển hàng trăm ngàn người tị nạn Syria từ Jordan đến một khu vực bên trong biên giới  của Syria, dưới sự bảo vệ của đội quân "ưu tú." Một vùng cấm bay cũng được dự tính để đảm bảo việc bảo vệ người tị nạn một khi họ được di dời.

Borhan Ghalyun, một nhân vật hàng đầu trong Liên minh  quốc gia các lực lượng cách mạng Syria và phe đối lập (NCSROF), kỳ vọng các chiến binh chống chính phủ sẽ tiếp nhận được các vũ khí hiện đại trong tương lai gần. Ghalyun nói: "Không còn nghi ngờ việc cung cấp vũ khí hiện đại cho quân đội Syria tự do (FSA) hoặc một số tiểu đoàn của lực lượng này. Quyết định này đã được thực hiện và công tác hậu cần đang được thu xếp."

Ông cho biết thêm, nếu phe đối lập khởi động một cuộc tấn công đủ tin cậy chống lại chế độ, một giải pháp ngoại giao có thể diễn ra tiếp theo. Ghalyun nhận xét: " Một giai đoạn mới đang bắt đầu, theo đó lực lượng (đối lập) sẽ được cải thiện, đủ điều kiện để chống chế độ và buộc họ đàm phán về bàn giao quyền lực, điều mà họ đang từ chối."

Theo phóng viên Bassel Oudat, người Mỹ cho thấy rằng họ không có ý định tổ chức một cuộc tấn công quân sự chống Syria. Hiện tại, họ chủ trương cung cấp vũ khí cho những người Hồi giáo "ôn hòa" bằng việc hợp tác với các đồng minh phương Tây và Arab.

Việc sa thải mới đây chỉ huy của FSA, Tướng Salim Idris, chỉ là bước đầu tiên trong việc tái cơ cấu và tái vũ trang của lực lượng này để cho phép những người "ôn hòa" thách thức chế độ, mà không bị những người Hồi giáo cứng rắn "vượt mặt," những người đã xâm nhập vào phần phía Bắc của Syria.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nói rằng Washington cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng Syria mà không cần có sự can thiệp của quân đội Mỹ. Bà Rice nêu rõ Mỹ không có ý định đưa quân đến Syria. Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Obama không tính đến một cuộc tấn công quân sự, nhưng xem xét "giải pháp" phù hợp với mối quan tâm an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuy nhiên, nguồn tin châu Âu nói rằng các quan chức Mỹ, châu Âu và Arab đang phối hợp trong một nỗ lực nhằm trang bị và đào tạo các lữ đoàn được lựa chọn của phe đối lập. Hành động của họ là để đối phó với khả năng một cuộc chiến tranh tràn vào Syria, từ ngoài biên giới quốc gia này với sự gia tăng của các chiến binh thánh chiến sử dụng nước này như một bệ phóng.

Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy quân nổi dậy ở miền Nam Syria nhận được vũ khí hiện đại, hoặc "hàng ngàn" chiến binh được Mỹ đào tạo trong nhiều tháng qua, như một số báo cáo cho biết./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục