Mỹ xem xét các biện pháp đối phó nguy cơ gây bất ổn của Bitcoin

Nhà chức trách Mỹ đang phải cân nhắc thực hiện những biện pháp cụ thể để đối phó với nguy cơ gây bất ổn của Bitcoin sau nhiều năm chỉ đơn thuần đưa ra các cảnh báo.
Mỹ xem xét các biện pháp đối phó nguy cơ gây bất ổn của Bitcoin ảnh 1(Nguồn: Bitcoin.com)

Bùng nổ trong năm 2017, tiền ảo Bitcoin thu hút không chỉ các nhà đầu tư ở Phố Wall mà còn cả các nhà đầu tư tư nhân dù nhiều người vẫn đang cố tìm hiểu xem thực chất đồng tiền ảo này là gì.

Sự phát triển mạnh mẽ của đồng tiền trên cũng buộc nhà chức trách Mỹ phải cân nhắc thực hiện những biện pháp cụ thể để đối phó với nguy cơ gây bất ổn của Bitcoin sau nhiều năm chỉ đơn thuần đưa ra các cảnh báo.

Tháng 1/2017, 1 Bitcoin mới chỉ trị giá 1.000 USD, song tới giữa tháng 12/2017 đã đạt mức 20.000 USD, mức tăng vọt khiến không ít người trong giới tài chính vốn đã quá quen thuộc với những lo ngại và bất ổn cũng phải cảnh giác trước nguy cơ vỡ bong bóng Bitcoin.

Theo ông Nigel Green, một chuyên gia làm việc cho tập đoàn đầu tư deVere Group, "Bitcoin là một trò mạo hiểm lớn bởi nó là thứ tài sản chưa được khám phá. Một loại tài sản nhanh chóng tăng vọt về giá trị luôn khiến giới đầu tư phải cảnh giác. Tuy nhiên, việc Bitcoin tăng giá nhanh chóng cũng cho thấy nhu cầu lớn về đồng tiền ảo này trên thế giới".

['Cục than nóng' Bitcoin: 'Khi sập sẽ gắn với khủng hoảng toàn cầu?']

Được tạo ra từ năm 2009, Bitcoin được giao dịch trên mạng Internet mà không hề có bất kỳ quy định hay nguyên tắc quản lý nào. Không giống đồng USD hay euro, không có ngân hàng trung ương hay chính phủ nào đưa vào lưu thông đồng tiền này, nhưng nó lại được vận hành nhờ các thuật toán phức tạp do máy tính thực hiện.

Các khoản thanh toán được tiến hành trực tiếp trong khi người trao đổi không cần cung cấp thông tin cá nhân cụ thể. Quy trình vận hành như vậy cùng với việc thiếu những quy định rõ ràng đã khiến cho Bitcoin trở thành miếng mồi béo bở đối với những kẻ buôn lậu và nhiều loại tội phạm khác.

Đồng Bitcoin thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận từ ngày 10/12 vừa qua khi hai sàn giao dịch lớn tại Chicago được chính quyền Mỹ cho phép tiến hành giao dịch các hợp đồng tương lai của đồng tiền này.

Với hệ thống thanh toán bằng hình thức chuyển khoản dựa trên công nghệ “chuỗi khối” (cung cấp dữ liệu phân cấp để lưu trữ toàn bộ thông tin giao dịch và đều được mã hóa), Bitcoin đang dần tạo dựng một vị thế không hề nhỏ.

Tại nhiều thị trấn, người tiêu dùng có thể dùng Bitcoin để thanh toán hóa đơn ăn uống, mua xe hơi hay thậm chí là mua nhà ở.

Những người ủng hộ Bitcoin muốn nhân cơn sốt trên thúc đẩy Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) cho phép thành lập các quỹ trao đổi bằng đồng tiền này để các nhà đầu tư thông thường có thể giữ các khoản tiết kiệm của mình.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn ở Mỹ lại tỏ ra hoài nghi, cho rằng tỷ giá trao đổi của Bitcoin thiếu minh bạch và đồng tiền trên có thể khiến cho thị trường trở nên bất ổn.

Đồng Bitcoin chính thức được công nhận là một hình thức thanh toán hợp pháp hồi tháng 4 năm nay tại Nhật Bản, trong khi các nền kinh tế lớn khác đều không chào đón loại tiền điện tử này.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen, Bitcoin không phải là hình thức thanh toán hợp pháp và các ngân hàng cần bảo đảm các cuộc giao dịch số tôn trọng quy chế chống rửa tiền.

Trao đổi với báo giới gần đây, bà nhấn mạnh: “Đây là một tài sản rất đáng nghi”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục