Mỹ-Ấn Độ ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự

Ngày 10/10, tại Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice và người đồng cấp Ấn Độ Pranab Mukherjee đã chính thức ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn, chấm dứt lệnh cấm các hoạt động thương mại hạt nhân dân sự kéo dài suốt ba thập niên qua với New Delhi.

Ngày 10/10, tại Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice và người đồng cấp Ấn Độ Pranab Mukherjee đã chính thức ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn, chấm dứt lệnh cấm các hoạt động thương mại hạt nhân dân sự kéo dài suốt ba thập niên qua với New Delhi.
 
Hiệp định này cho phép các doanh nghiệp Mỹ bán nhiên liệu, công nghệ và các lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình cho Ấn Độ. Đổi lại là các biện pháp đảm bảo an toàn và Liên hợp quốc có quyền thanh tra các nhà máy hạt nhân của Ấn Độ.
 
Hiệp định đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, và nêu bật mối quan hệ đối tác chiến lược không chỉ trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, mà cả về thương mại, hợp tác quốc phòng cũng như các lĩnh vực khác.
 
Phát biểu trước lễ ký, Ngoại trưởng Rice nói đây thực sự là một sự kiện lịch sử, trong khi ông Mukherjee cho rằng sự kiện này đánh dấu một "ngày quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Ấn."
 
Theo ông, hiệp định này sẽ đáp ứng những nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ, hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp và phát triển nông thôn, cũng như hỗ trợ sự phát triển các lĩnh vực kinh tế khác của Ấn Độ. Ông bày tỏ mong muốn hợp tác với các công ty Mỹ muốn thâm nhập thị trường hạt nhân dân sự của nước Nam Á này. 
 
Theo Hiệp hội công nghiệp Ấn Độ, hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ tạo điều kiện giúp 18-20 nhà máy hạt nhân Ấn Độ thu hút khoảng 27 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong vòng 15 năm tới.
 
Hiệp định này được Tổng thống Mỹ George Bush và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ký kết tháng 7/2005./. 
 

 (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục