Myanmar: Các nhóm vũ trang cam kết tiếp tục đàm phán với chính phủ

Các nhóm vũ trang Myanmar chưa ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc cam kết sẽ tiếp tục đàm phán với chính phủ nước này về một tiến trình hòa bình toàn diện.
Myanmar: Các nhóm vũ trang cam kết tiếp tục đàm phán với chính phủ ảnh 1Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi (trái) gặp đại diện các nhóm sắc tộc vũ trang ở Yangon. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Liên bang dân tộc thống nhất (UNFC) công bố ngày 18/7, các nhóm vũ trang Myanmar chưa ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA) cam kết sẽ tiếp tục đàm phán với chính phủ nước này về một tiến trình hòa bình toàn diện.

Thông cáo trên được đưa ra sau khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi thay mặt Chính phủ Myanmar thảo luận với Chủ tịch UNFC U N'Ban La, đại diện cho hội đồng này, tại Trung tâm Hòa bình và Hòa giải quốc gia (NRPC) vào ngày 17/7.

Phái đoàn Đàm phán Chính trị (DPN) của UNFC - đại diện của các nhóm vũ trang chưa ký NCA - đã thảo luận với phía chính phủ về việc chấm dứt tấn công quân sự nhằm vào các sắc tộc thiểu số ở miền Bắc Myanmar, với hy vọng các nhóm vũ trang tham gia xung đột có thể đồng loạt tuyên bố ngừng bắn thực sự trên toàn quốc. Thông cáo nêu rõ đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã cam kết thiết lập một chế độ liên bang tại Myanmar với một hiến pháp dựa trên pháp trị.

Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm hội nghị sắc tộc dự kiến được tổ chức vào ngày 26-29/7 tại Maijayan, thuộc bang Kachin, hiện do Tổ chức Độc lập Kachin (KIO) kiểm soát.

Theo quyết định được đưa ra tại cuộc gặp giữa các nhóm đã ký và chưa ký NCA tại Chiangmai ngày 8/7 vừa qua, hội nghị sắc tộc Maijayan, với sự tham gia của 55 nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, sẽ đề ra một lập trường chung nhằm chuẩn bị cho việc tham dự hội nghị hòa bình liên bang mang tên “Hội nghị Panglong thế kỷ 21” tại thủ đô Nay Pyi Taw vào cuối tháng Tám tới.

Trước đó, Ủy ban trù bị cho hội nghị Panglong đã quyết định cho phép các nhóm chưa ký NCA tham gia hội nghị này để đảm bảo họ có thể tiếp cận đối thoại chính trị. Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, đồng thời là Chủ tịch NRPC, đã phác thảo các hướng dẫn chính sách cho tiến trình hòa bình.

Các hướng dẫn trên bao gồm việc cho phép các nhóm chưa ký NCA tham gia Hội nghị Panglong, nới lỏng hạn chế khi mời các đảng phái chính trị không có đại diện trong Quốc hội tham gia hội nghị này, các chức năng của NRPC trong việc giải quyết vấn đề liên quan tới các nhà tài trợ quốc tế và sự hỗ trợ của họ cho tiến trình hòa bình.

Chính phủ tiền nhiệm ở Myanmar và 8 trong số 15 nhóm vũ trang sắc tộc đã ký NCA vào ngày 15/10/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục