Mỹ-Cuba: Có hy vọng nhưng vẫn nhiều rào cản

Quyết định bãi bỏ việc hạn chế đi lại và gửi tiền của người Mỹ gốc Cuba về nước của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được nhìn nhận như là một sự khởi đầu cho quá trình "tan băng" trong quan hệ giữa hai nước, một sự "thay đổi" thực sự trong chính sách của Mỹ đối với quốc đảo Caribe này.

Quyết định bãi bỏ việc hạn chế đi lại và gửi tiền của người Mỹ gốc Cuba về nước của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được nhìn nhận như là một sự khởi đầu cho quá trình "tan băng" trong quan hệ giữa hai nước, một sự "thay đổi" thực sự trong chính sách của Mỹ đối với quốc đảo Caribe này.
 
Thậm chí, nhiều người lạc quan cho rằng Mỹ và Cuba đang khởi động một cuộc đàm phán nào đó để chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ đã kéo dài 47 năm nay.
 
Những hy vọng ấy càng trở nên có cơ sở khi Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố ông sẵn sàng đối thoại với Mỹ về "bất cứ vấn đề gì", kể cả những chủ đề nhạy cảm như tù nhân chính trị, tự do báo chí và nhân quyền.
 
Tuy nhiên, cũng chính Tổng thống Mỹ đã phủ bóng đen lên những hy vọng này khi ngày 19/4 tuyên bố rằng chính sách của Washington đối với Havana sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều, dù rằng ông đã thừa nhận chính sách ấy đã tỏ ra "không hiệu quả" trong suốt một nửa thế kỷ qua.
 
Lý do được đưa ra cũng không có gì mới, vẫn lại là sự "quan trọng" của các vấn đề "tù nhân chính trị, tự do ngôn luận và dân chủ", những điều mà nước Mỹ đã bắt đầu đi rao giảng với thế giới từ rất lâu trước khi Tổng thống Obama chào đời. Tuyên bố "trái bóng" giờ đây đang ở phần sân của Cuba, ông yêu cầu Havana phải có cử chỉ cụ thể đáp lại sự nhượng bộ của Washington, ám chỉ tới lệnh hủy bỏ hạn chế đi lại và gửi tiền về nước của kiều dân.
 
Phản ứng về hội nghị cấp cao châu Mỹ ngày 20/4, lãnh tụ Cuba Fidel Castro cho rằng những phát biểu của ông Obama về Cuba trong phiên bế mạc hội nghị cấp cao trên mang tính "lảng tránh." Nhà lãnh đạo Cuba đã kêu gọi Tổng thống Mỹ chấm dứt phong tỏa kinh tế kéo dài gần 50 năm qua đối với Cuba.
 
Bài viết của Fidel trên trang Cubadebate có đoạn: "Tôi muốn nhắc nhở ông ta về một nguyên tắc đạo đức cơ bản phải làm đối với Cuba. Sự bất công hay hành động tội ác không thể nào bào chữa được bất chấp trong thời đại nào khi mà nó vẫn còn xảy ra. Lệnh phong tỏa tàn nhẫn đã khiến người dân Cuba phải trả giá bằng tính mạng và kéo theo nỗi đau về con người."
 
Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ vừa qua, người ta đã nhìn thấy những cử chỉ thân thiện giữa ông Obama và Tổng thống Venezuela Hugo Chávez cùng các nhà lãnh đạo Nam Mỹ khác. Nhiều người đã nhìn nhận ông Obama như là một đối tác trung thực, cởi mở và thật lòng muốn mở ra "một thời đại mới."
 
Phát biểu với báo giới sau phiên bế mạc hội nghị, ông Obama nhấn mạnh việc nhiều nguyên thủ quốc gia Mỹ Latinh đánh giá cao sự có mặt của hàng nghìn bác sĩ Cuba tại các nước trong khu vực đã khiến ông rất quan tâm, đồng thời cho rằng để giành được ảnh hưởng tại khu vực, những trợ giúp y tế của Havana hiệu quả hơn nhiều so với sức mạnh quân sự của Washington.
 
Ông Obama cũng thừa nhận Cuba đã cho Mỹ một bài học về giới hạn của cường quốc quân sự, sức mạnh về ngoại giao và phát triển của Mỹ cần được sử dụng "theo cách thông minh hơn" để đem lại lợi ích lâu dài cho quan hệ của Mỹ tại Tây bán cầu.
 
Nhưng rốt cuộc, hội nghị gồm 34 nguyên thủ quốc gia này, trừ Cuba, đã kết thúc mà không đạt được một sự đồng thuận nào về vấn đề Cuba.

Tháng Sáu tới, Mỹ và các nước châu Mỹ khác sẽ bàn thảo lại về vấn đề Cuba tại Honduras khi Tổ chức các nước châu Mỹ cân nhắc việc bãi bỏ một nghị quyết năm 1962 không cho phép Cuba tham gia vào tổ chức này.

Có lẽ người ta sẽ phải chờ tiếp từ nay tới đó để biết rằng có thể hy vọng hơn hay bi quan hơn về viễn cảnh quan hệ giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục